CategoriesTrà & Kiến thức về Trà

Truyền thuyết trảm mã trà ở Việt Nam và Trung Quốc

Trảm mã trà ở Việt Nam:

Thuở xa xưa, vào đời nhà Trần có vị vua giàu lòng nhân đức. Một hôm quan ngự sử dâng lên vua khay trà và tâu rằng:
– Muôn tâu hoàng thượng, xin dâng lên ngài khay trà quí gọi là: “Trảm Mã Trà”.
Vua hỏi:
– Khanh giải thích cho trẫm hiểu thế nào là Trảm Mã Trà?

Quan ngự sử tâu:
– Bẩm hoàng thượng, tức là người ta để cho con ngựa thật đói vài ba ngày, đoạn họ thả ngựa vào vườn trà tươi để ngựa ăn no, đoạn họ dắt ngựa về nhà chờ khi mặt trời vừa lặn là họ chém đứt đầu ngựa (xử trảm), rồi mổ bụng ngựa lấy bao tử ra, họ đem bao tử đó ủ chỗ không có ánh sáng, chờ 7 ngày đêm cho trà bên trong bao tử ngựa lên men, rồi họ mới mổ bao tử lấy trà ra sấy khô. Như vậy gọi là: Trảm mã trà.

Vua liền phán rằng:
– Trẫm muốn gặp người đã phát minh ra cách chế biến loại trà này trước khi trẫm uống nó.

Quan ngự sử lập tức cho người đi mời Lão Phu ở miền thượng du núi Ba Vì, là người đã sáng chế ra loại trà quí này. Chiếu chỉ tới điạ phương. Ông chánh tổng Nguyễn Bình bắt Lão Phu đem ra bờ suối chặt đầu, thây băm ra làm nhiều mảnh vứt xuống suối cho cá ăn. Đoạn Nguyễn Bình về triều ra mắt quốc vương và tâu rằng:
– Muôn tâu thánh thượng, kẻ hạ thần chính là người đã sáng chế và thực hiện qui trình sản xuất Trảm Mã Trà để dâng lên hoàng thượng đấy ạ!
Đức vua thong thả nhìn ngắm Nguyễn Bình từ đầu tới chân và nhủ thầm: Thân hình vóc dáng, mặt mũi Nguyễn Bình cũng như mọi người bình thường khác, mà tâm ý của y sao lại độc ác đến thế nhỉ? Trong lúc Nguyễn Bình thì nghĩ khác, y phấn khởi chờ đợi vua khen ngợi và ban ân thưởng để “xênh xang áo gấm về làng” sẽ vênh vang cùng thiên hạ… Một lúc sau vua mới nói:
– Cho gọi Đao Phủ Thủ dẫn Nguyễn Bình ra pháp trường chém đầu y như hắn đã chém đầu ngựa để chế ra Trảm Mã Trà, ngõ hầu cho hắn thực chứng sự bị chém đầu sẽ cảm nhận ra làm sao.

Nguyễn Bình đang hồ hởi bỗng chuyển sang run sợ hết hồn và y thưa rằng:
– Muôn tâu thánh thượng, con xin thành khẩn khai trình. Người sáng chế và thực hiện Trảm Mã Trà không phải là hạ thần, mà là Lão Phu ở ven rừng Bản Thượng tại núi Ba Vì. Được tin hoàng thượng tìm người có công, hạ thần ngỡ là được trọng thưởng, nên hạ thần đã chém đầu Lão Phu, băm ra nhiều mảnh cho cá ăn cả rồi. Xin đức vua tha tội cho hạ thần.

Đức vua nghe đến đây, ngài bàng hoàng tâm trí, đoạn Ngài nói:
– Thì ra kẻ giết Lão Phu lại chính là bệ hạ ư! Ta đã mượn tay nhà người để giết Lão Phu! Trời! Trẫm là kẻ sát nhân rồi… Ngài bật khóc thành tiếng. Khiến các quan văn võ cuống cả lên đồng quì xuống trước bệ rồng.

Lúc này hoàng hậu Ỷ Lan đứng dậy chắp tay tâu:
– Bẩm đức vua, thần thiếp xin có đôi lời bọc bạch như sau: Lão Phu là kẻ ham cái hương vị của một chén trà hơn cả sinh mạng con ngựa. Nên: “Ác Lai Ác báo”, y đã bị kẻ cầu lợi hám danh là Nguyễn Bình chặt đầu, phanh thây chẳng khác nào như y đã trảm đầu ngựa để lấy trà. Như thế là Lão Phu đã gieo nhân nào và Lão Phu đã gặt quả ấy qua tay Nguyễn Bình. Còn Bệ hạ chỉ là đấng tạo cơ duyên cho nhân trổ ra quả mà thôi. Có chăng, còn lại Nguyễn Bình, thì hắn ta đã bị cơ duyên mà bệ hạ tạo để hắn giết Lão Phu ngõ hầu cho luật nhân quả vận hành được cân bằng. Cho nên thần thiếp xin trình lên hoàng thượng 2 điều:

1) Đức vua vô can, nếu có chỉ là tạo điều kiện cho nhân trổ ra quả sớm hơn, ngay kiếp này, thay vì nhiều kiếp khác.
2) Xin bệ hạ tha bổng Nguyễn Bình, vì chính y là kẻ đã thực hiện định luật : Ác lai ác báo. Tuy nhiên, cái nghiệp giết Lão Phu y vẫn phải mang theo đi luân hồi sinh tử. Vậy xin hoàng thượng soi xét. Nói tới đây hoàng hậu ngồi xuống.
Đức vua lên tiếng:
– Các khánh hãy bình thân. Trẫm y tấu lời hoàng hậu và truyền lệnh đem tất cả số Trà Trảm Mã nấu thành nước và đổ cả xuống sông như chiêu hồn cho con ngựa và kể từ nay ta cấm ngặt trong dân gian không ai được sản xuất trà kiểu này nữa. Đó là lời Đức vua đời nhà Trần.

 tram-ma-tra-12

Truyền thuyết về Trảm mã trà ở Trung Quốc:

Đã nói về trà ở Trung Hoa tất phải nhớ đến huyền thoại Trảm Mã trà. Tương truyền ở núi Vu Sơn (Tứ Xuyên,Trung Quốc), những con ngựa sau khi bị bỏ đói 2 ngày sẽ được thả rong, chạy vào trong rừng trà, nơi có thật nhiều búp non hấp dẫn. Chúng sẽ ăn những búp trà ngon lành cho tới lúc bụng no căng. Khi ngựa đã ăn no, tốp mã phu tập trung chúng lại dẫn xuống khe suối quanh núi. Nước suối ở đây do xác trà rụng xuống nát mủn, nước đặc sánh, màu đen nên được gọi là suối Ô Long. Ngựa vục đầu uống nước suối Ô Long thỏa thích. Sau đó, các mã phu cưỡi ngựa trở về điểm xuất phát. Họ cho ngựa đi nước kiệu đều đều, chậm rãi. Thời gian đi đường khoảng một ngày, đủ để búp trà trong bụng ngựa thấm với nước suối Ô Long lên men. Về đến nơi đã định, mã phu lập tức giết bầy ngựa, mổ bụng moi trà từ bao tử của ngựa ra, đem đến lò sao tẩm chế biến. Trà đã được ngựa nhai kỹ khỏi phải vò nát, nước suối thấm từ trong bao tử giúp trà giảm độ chát. Trảm mã trà vì vậy có hương vị độc đáo, độ chát vừa phải, chất mát.

Lại có truyền thuyết xuất xứ gắn với Thanh nữ trà như sau:

Chuyện kể rằng, có một vị vua kia, mê thích trà hơn mọi thứ khác, nên ngay trong ngự uyển của nhà vua, một vườn trà đã được trồng, và cũng được ướp theo những cách riêng biệt!

Một buổi sáng, nhà vua ra lệnh cho người tỳ nữ, lấy trà vừa đưa vào nhà kho đêm qua, và pha cho nhà vua, sau khi thưởng thức vị trà này xong, nhà vua vô cùng hài lòng vì trong đó một hương vị mới, hoá ra, số trà này đã được mang “mùi vị” của chính người tỳ nữ pha trà, mà đêm hôm trước, vì trời đột nhiên trở lạnh, nàng đã vào ngay đống trà để ngủ cho ấm ! Vì nàng đích thực là còn “con gái” nên trà này đã được đặt tên là “Trinh nữ trà”, vì trà đã được ướp với hương vị thơm tho của da thịt và mồ hôi người con gái đồng trinh! Nhà vua sau khi phát giác ra loại trà này, thì “tuyển mộ” thêm con gái, và dĩ nhiên là những cô gái này phải đẹp, còn trinh trắng và không bị những bệnh gây mùi hôi.

Để có thể biết được còn trinh trắng hay không còn, thời ấy, người ta đã nghĩ ra một phương pháp thử để xác định, và phương pháp này ngày nay một số người vẫn dùng để kiểm tra cái chuyện này!

Cho đến một ngày nọ, mấy nàng “trinh nữ” này bị mấy tên nài ngựa, nuôi ngựa “dê”! Và vì bận bịu với cái áp phe ái tình nên mấy gã nài ngựa, nuôi ngựa này thay vì trông chừng ngựa thì lại lo kiếm những chỗ kín đáo để cùng các nàng hú hí nên ngựa tự do ăn sạch vườn trà với những búp trà vừa nhú, mà đáng lẽ sẽ được cắt rồi phơi và ướp!

Sau cơn mê, những Anh nài ngựa đi tìm ngựa, thì nhìn thấy ngựa của mình trông coi đang thong thả xực đám trà của nhà vua ! Đến đây, các Anh nài ngựa này chỉ còn chờ nhà vua xử trảm ! Thôi thì trước sau gì cũng phải chết, các Anh liền cùng nhau khai báo thật là đã vô ý để ngựa ăn với hy vọng mỏng manh may ra sẽ thoát khỏi lưỡi hái của tử thần . Vì nhà vua thuộc loại người đức độ nên cũng nghe theo lời khai báo của những Anh nài ngựa này nói, nhưng để ra rõ vấn đề hư thực, nhà vua cho người giết một trong những con ngựa đã ăn vườn trà non này hầu kiểm chứng, thì quả đúng như lời khai của những tay nuôi ngựa nói ! Khi nhà vua thấy những búp trà non trong dạ dầy của ngựa đã bị nghiền nát kỹ mà khó thể nào phân biệt được là trà hay các loại cỏ cây khác, khi nhà vua đưa lên ngửi thì ….. một mùi trà non thơm phức khác hẳn những mùi từ trước đến giờ nhà vua đã dùng qua, có lẽ là do nước bọt của loài ngựa pha trộn vào khi nhai !

Sau khi phát giác mùi vị mới lần thứ hai này, nhà vua không những không phạt mà còn thưởng cho những anh nài ngựa, được phép cưới những nàng “trinh nữ” (?) nhà vua gọi vào cung để làm công việc ướp trà, và đồng thời ra lệnh cho những Anh nài ngựa, mỗi khi có đợt búp trà mới, các Anh sẽ phải cho ngựa nhịn ăn một ngày trước, để ngưa ăn toàn là trà mà thôi !

Sau khi đã được ăn no, ngựa sẽ bị trảm ngay tức khắc để trà không bị tiêu hoá, và lấy ra khỏi dạ dầy!

Lúc đầu, nhà vua giữ kín tung tích bào chế, sau khi nhà vua băng hà, một số người trong cung biết, đem ra phổ biến phương cách, và cũng từ đó mới có cái tên “Trảm Mã Trà” !

Nguồn: sưu tầm

Trả lời