CategoriesTrà & Kiến thức về Trà

Vấn vương hương chè Sông Cầu

Nếu như Tân Cương, Trại Cài, La Bằng, Phúc Thuận, Tức Tranh… cung cấp cho thị trường một loại sản phẩm chè búp truyền thống, sản xuất bằng phương pháp thủ công hoặc bán thủ công, thì Sông Cầu lại mang đến cho thị trường một sản phẩm sản xuất bằng dây chuyền công nghệ hiện đại. Bởi lẽ nơi đây có Công ty Chè Sông Cầu, tiền thân là Nông trường Chè Sông Cầu, một trong những đơn vị quốc doanh lớn của ngành Chè từ thập kỉ 60 của thế kỉ trước đã làm tốt chức năng quản lí, tổ chức sản xuất, tạo nên thương hiệu chè Sông Cầu từ trước đến nay.

234

Trải bao thời gian với biết bao thăng trầm, đổi thay của cơ chế khiến cho ngành Chè cũng có những khó khăn nhất định, nhưng dù gì thì chè Sông Cầu vẫn bền bỉ dâng cho đời hương vị của mình. Với ba loại sản phẩm: chè xanh kiểu Nhật Bản, chè đen và chè xanh kiểu Việt Nam, hàng năm Công ty Chè Sông Cầu cung cấp cho thị trường khoảng 1.500 tấn trà các loại, chủ yếu cho thị trường nước ngoài.

2341

Dịp này, công ty đang tập trung sản xuất chè xanh kiểu Nhật Bản, mang tên chè Sencha. Chè Sencha cánh dẹt, bóng, màu xanh thẫm, khi pha nước có màu xanh sáng. Nhấp một ngụm, ta cảm nhận ngay được vị đậm dịu, kèm theo hương thơm nhẹ nhàng lan tỏa, rất lạ. Cách pha trà Sencha cũng khác. Chè búp của mình, nước phải đủ 100 độ pha trà mới dậy hương, nhưng chè Sencha thì chỉ cần nước từ 70 đến 80 độ. Vậy nên, sau khi tráng ấm, chén xong, người ta rót nước sôi ra đầy các chén rồi mới tra chừng 5 đến 7 gam chè Sencha vào ấm, rồi đổ các chén nước vào hãm chừng 5 phút là được. Động tác đổ nước sôi ra các chén trước khi hãm trà là để hạ nhiệt độ của nước. Sở dĩ chỉ dùng nước 70 đến 80 độ C, vì người Nhật cho rằng, nước sôi 100 độ sẽ làm mất đi các vi ta min có trong chè xanh.

2345

Anh Đỗ Xuân Hợp, quản đốc phân xưởng sản xuất và chị Nguyễn Thị Vy, phụ trách KCS, đã dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng. Lần đầu tiên, chúng tôi được nhìn thấy những dây chuyền sản xuất chè theo kiểu công nghiệp thế này. Quy trình sản xuất chè Sencha gồm bẩy bước. Bước một là bảo quản chè, tức là chè búp sau khi được thu mua sẽ được phân loại và tãi ra trên băng tải, có hệ thống quạt gió dưới sàn vào loại hiện đại nhất để làm mát chè, tránh sự héo úa, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Sau đó, búp chè được chuyển vào bằng chuyền để đưa vào máy hấp chè, đây là bước thứ hai. Hấp chè, có nghĩa là làm cho búp chè chín bằng hơi, nhằm mục đích khử lượng ta nanh trong chè. Tiếp đó, chè được đưa vào đảo sơ bộ: làm bay bớt hơi nước và đảo con: tiếp tục làm khô các búp chè. Bước thứ tư là vò, để loại bớt độ chát, rồi tiếp tục được làm khô bằng công đoạn lăn – bước thứ năm. Tiếp đó là đánh bóng, rồi sấy khô là bước cuối cùng, vậy là hoàn tất một quy trình sản xuất. Tất cả các bước đều được thực hiện trên một chu trình khép kín và hoàn toàn tự động, con người chỉ điều khiển máy móc. Thời gian để sản xuất một mẻ chè Sencha mất khoảng ba tiếng rưỡi đồng hồ. Tất cả các thao tác là máy móc thực hiện, nhưng chất lượng của sản phẩm lại phụ thuộc vào kinh nghiệm của người làm chè. Búp chè vốn mỏng mảnh, sản phẩm trà vốn mang trong mình sự tinh tế, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của các tao nhân mặc khách, vậy nên người làm chè cũng phải có tâm, có nhiệt huyết thì mới tạo ra được một sản phẩm tinh tế.

Nguồn: sưu tầm

Trả lời