LTS: GS.TS Nhicôlai Ivanovich Niculin sinh ngày 3/10/1931. Các công trình nghiên cứu của ông, chủ yếu về Văn học Việt Nam, từ Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng… đến văn học đương đại, được xuất bản ở Nga và Việt Nam đã đưa ông lên vị trí hàng đầu của các nhà Việt Nam học. Ông đã có nhiều công lao đào tạo các phó tiến sĩ, tiến sĩ văn học cho Việt Nam. Tên tuổi của ông đã được đưa vào Từ điển các nhà Đông phương học.
Năm 1998, ông đã sang Lixbon (Bồ Đào Nha) nghiên cứu về sự giao tiếp văn hóa giữa châu Âu với phương Đông, Đông Nam Á, giữa Bồ Đào Nha với Việt Nam (từ thời các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha vượt biển sang châu Á). Ông mất ngày 1-1-2006 sau một cơn đau tim đột ngột. Nhân hai năm ông bước vào cõi vĩnh hằng, văn hóa – nghệ thuật xin giới thiệu bài viết trích trong công trình đang soạn thảo của ông như một nén hương tưởng niệm người bạn thân thiết của giới khoa học xã hội Việt Nam.
Từ apelsin (quả cam) trong tiếng Nga bắt nguồn từ tiếng Hà Lan appelsien (quả táo tàu). Các dân tộc khác nhau ở châu Âu cũng gọi là quả táo tàu (tiếng Đức: Chinaapfal. Tiếng Pháp: Pomme de chine). Điều đó cũng dễ hiểu, bởi cây cam được Bồ Đào Nha đem về châu Âu vào năm 1548 từ Trung Quốc, Philíp Bỉnh, một tín đồ Thiên chúa giáo người Việt Nam, năm 1976 đến Bồ Đào Nha và sống ở đó hơn 35 năm, đã để lại những dòng hồi ký rất thú vị, lấy tên là “sách số sang chép các việc”, có ghi: “Cam thì giống bởi nước Đại Minh (Trung Quốc) mà đem về, song phương Tây để blồng (trồng) thì hoa ra lắm vì chém ngành mà cắm xuống đất liền mọc rễ tức thì, cũng chẳng có sâu đục cây như cam nước ta”.
Lịch sử giao lưu giữa văn hóa châu Âu với văn hóa của các dân tộc vùng Viễn Đông chứng tỏ rằng, ở châu Âu những thế kỷ trước không những đã nắm vững rất sớm cách trồng trọt những loại cây ăn quả mới, chưa từng thấy, đem về từ phương Đông và Đông Nam Á mà còn tậu được những mặt hàng tơ lụa tuyệt hảo và những loại vải vóc đặc biệt khác, đồ sành sứ, đồ trang sức Trung Quốc, quạt bình hoa, những tấm bình phong trang trí. Và dĩ nhiên có cả chè. Nhà truyền giáo nổi tiếng Alexandre de Rhodes (1591 – 1660) đã viết về nguồn gốc phổ biến thói quen uống trà ở các nước châu Âu và than phiền rằng món lợi nhuận khổng lồ của việc buôn bán các món hàng cực kỳ có lãi này chỉ đem lại béo bở cho các thương gia Hà Lan láu cá, trong khi đó các nhà buôn Pháp lại bỏ lỡ cơ hội phát tài ấy.
Một người uyên bác về văn hóa truyền thống Việt Nam, nhà văn Nguyễn Tuân, vào đầu những năm 70, trong lúc chiến tranh ác liệt đã viết rằng, một chén trà tuyệt hảo, một cành hoa đào đủ để thấy hương vị Tết Việt Nam. Nhưng trà còn đi xa hơn, vượt qua biên giới Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên.
“Trà – biểu tượng của văn hóa Viễn Đông, được đem sang trồng ở phương Tây” – Turekhiro Saraki, nhà phê bình văn học Nhật Bản đương đại nhận xét Trà, là sự gặp gỡ giữa Viễn Đông với phương Tây. Trà không chỉ đơn thuần với tư cách là một trong những nhân tố văn hóa độc đáo của cả khu vực, mà còn là biểu tượng. Để sáng tỏ nhận định này, có thể đưa ra nhiều dẫn chứng hùng hồn. Vì thế, dĩ nhiên trong cuốn sách của Philíp Bỉnh, không chỉ nói về sự du nhập từ Trung Quốc vào phương Tây như cam, mà còn cả cây chè và cách uống trà nữa.
Philíp Bỉnh, nhà khai sáng, người có óc thông minh, đã ước mong rằng Tổ quốc Việt Nam của ông sẽ noi theo nền sản xuất hữu hiệu, những thành quả văn hóa, những thói quen tập quán của văn hóa châu Âu (ông thường gọi là phương Tây). Ông nói về máy in và cối xay gió, về bưu điện và báo chí, về công xưởng và ngói Bồ Đào Nha tuyệt hảo và về nhiều vấn đề khác.
Nhưng có một tập quán châu Âu mà ông không thể nào chấp nhận và tiếp thu, không thể hòa hợp được với nó. Tập quán ấy, theo quan điểm của ông, không thể coi là chuyện nhỏ nhặt được. Ông nói về thói quen tầm thường này – theo cách của người châu Âu.
Uống trà thuộc về phong cách các nước Viễn Đông, du nhập vào châu Âu, lúc đầu, chỉ mang ý nghĩa thực dụng. Vào giữa thế kỷ XVII – thời kỳ làm quen với trà ở châu Âu – Alexandre de Rhodes đã viết về trà với sự thán phục như là về một loại thuốc bổ ích cho sức khoẻ: “Trà là một trong những phương tiện tạo nên sức khoẻ của các dân tộc ấy, đem lại cho họ sức sống đến tận tuổi già”. Vị cha cố thực tiễn nói rằng, trà thể hiện đầy đủ nhất tính năng kỳ diệu của mình, chỉ khi nào nó được đun nóng, còn trà nguội chẳng ra gì cả.
Phương diện khác của việc uống trà, liên quan tới bản chất sâu xa của văn hóa Viễn Đông, không được nhận thức và lĩnh hội đầy đủ ở châu Âu, bởi thế không hòa hợp với bản chất của mối quan hệ với cuộc sống và thiên nhiên của người châu Âu. ở các nước Viễn Đông và ở Việt Nam, con người và thiên nhiên tạo thành một thể thống nhất, hòa hợp với nhau. Thái độ đối với trà liên quan tới điều này.
Trong truyền thống Việt Nam, tiếp nối Trung Quốc, trà chiếm một vị trí đặc biệt.
Ở Việt Nam, sự ham mê trà đã kích thích sự sản xuất các phương tiện khác nhau cho việc pha trà và uống trà. Nhà văn Phạm Đình Hổ(1768-1839) cùng thời với Philíp Bỉnh, trong Vũ trung tùy bút viết về Việt Nam những thập niên cuối thế kỷ XVIII có kể: “Trong nước vô sự, các nhà quý tộc, các bậc công hầu, các con em nhà quý thích đều đua chuộng xa xỉ, có khi mua một cái ấm chén, phí tổn đến vài mươi lạng bạc. Thường có nhiều người qua chơi hiệu chè, thăm dò các phố buôn, vác tiền hết quan ấy chục khác để mua chuốc lấy chè ngon”.
Có thể nói về văn hóa độc đáo của việc uống trà (nếu như không nói về sự sùng bái): “Kẻ thì ưa thanh hương, người thì thích hậu vị, kén hiệu trỏ trên mua cho được chè ngon – Phạm Đình Hổ nhận xét – thậm chí có kẻ đặt tiền sẵn để mua cho được hiệu chè Chính Sơn, gửi tầu buôn để đặt cho được kiểu ấm chén mới lạ, cách hiếu thượng đến thế là cùng cực. Song cái thú vị uống chè Tàu có phải ở chỗ đó đâu. Chè Tàu thú vị ở chỗ tinh nó sạch sẽ, cái hương của nó thơm tho”.
Rõ ràng rằng, trà tạo nên mối quan hệ, tạo nên đối thoại – đối thoại với người khác, với chiều sâu nội tâm, trò truyện với chính mình. Uống trà liên kết những người đàm đạo trong không gian và thời gian. Trà, đó là sự giao tiếp giữa các nền văn hóa.
Ở Việt Nam hiện nay, đãi khách nhất thiết phải có trà. Họ rót một chút trà vào trong các chén nhỏ bằng sành hay bằng sứ, thoạt đầu tôi cứ ngỡ như búp bê. Phạm Đình Hổ, viết về truyền thống uống trà, bắt nguồn từ Trung Quốc, thật thú vị: “Từ đời Khang Hi (1668-1723) trở về sau, cách uống chè Tàu mới đổi ra cách pha từng chén nhỏ chứ không hãm từng ấm to nữa, vì cách uống chè ấm phải cốt cho nhỏ và mỏng để khi pha chè mới nổi hương vị”.
Tuy nhiên, đó là cách pha trà trong ấm nhỏ hoặc ấm to, được ủ nóng trong cái dành bằng bông, lót bên trong một cái giỏ đặc biệt. Ấm trà bằng gốm được tạo nên bởi bàn tay của các nghệ nhân khéo léo thành thạo và nổi tiếng thường có giá cao.
Bộ ấm chén đẹp, lời nói thong thả, lịch thiệp, động tác tao nhã, uống chầm chậm từng ngụm nhỏ, chủ và khách như đang thực hiện một nghi lễ nào đó, tâm hồn thư thái. Người uống trà, dường như đang xa lánh thế giới trần tục, giao cảm với thế giới vĩnh hằng, lãng quên những mối lo âu và xáo trộn, hướng tới những giá trị tuyệt đối. Phạm Đình Hổ viết: “Buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong, với bạn rượu làng thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm chè Tàu ra thưởng thức thì có thể tính được mộng trần, rửa được lòng tục, ấy người xưa ưa chuộng chè Tàu là vì vậy”.
Trà làm khoẻ người, giải cơn khát, nhưng không phải chỉ có thể – nó tạo nên không khí giao tiếp, trong cách uống trà Việt Nam, có chất thẩm mỹ riêng và yếu tố nghi lễ. Vì vậy, sắp xếp vị trí uống trà, điều kiện uống trà là yêu cầu rất đặc biệt. Phạm Đình Hổ viết tiếp: “Còn như nếm chè ở trong đám ruồi nhặng, bày ấm chè ở cửa chợ bụi lầm trong lúc ồn ào đinh óc, vơ vẩn rộn lòng, thì dẫu ấm có đẹp đẽ, chè ngon ngát lừng, ta chẳng biết uống chè như thế thì có thú vị không?”.
Như vậy, truyền thống uống trà Việt Nam còn phải tính đến sự hòa hợp với tâm trạng, trạng thái tinh thần ổn định. Ngoài việc uống trà, còn là sự giao tiếp, sự hòa hợp với thiên nhiên. Trong quán ăn giữa chợ, bay lên mùi thơm dễ chịu từ những bát phở gà nóng hổi với sợi phở dài trong suốt được rắc nhiều hạt tiêu với những cọng rau thơm và những cọng hành dài. Người ta gọi đó là quán ăn “bụi”. Nhưng để uống trà, lại cần phải tách biệt, tốt hơn hết là giữa thiên nhiên, tránh xa những mối bận bịu, ồn ào. Phạm Đình Hổ kể rằng: “Khi dạy học rảnh, ta thường cùng với người đàn anh trong làng là Tô nho sinh dạo chơi gần chùa Vân, pha chè uống nước, hoặc trèo lên cái gò ba tầng ở phía Tây xóm ấy, rồi múc nước suối để pha chè uống chơi. Trông thấy những cảnh mây nổi hợp tan, chim đồng kêu lượn, cùng lá cỏ cây rơi rụng, hành khách lại qua, ta thường gửi tâm tình vào câu ngâm vịnh”.
Trà trong quan hệ bạn bè thường đi đôi với rượu. Ở Việt Nam có lối nói: “rượu chè” (rượu sớm trà trưa). Tôi rất ngạc nhiên, khi ở Lixbon, bà chủ căn hộ đứng tuổi người Bồ Đào Nha quan sát tôi uống trà, nói với vẻ pha chút trách móc: “Cha vinho” (trà với rượu). Trong khoảnh khắc ấy, tôi cảm thấy bầu không khí Việt Nam vút tới: Sự trùng hợp bề ngoài ở đây không hoàn toàn, nhưng cũng gần như hoàn toàn.
Khi nói đến trà, Philíp Bỉnh kể chuyện về cuộc sống trong tu viện và tuyên bố: “Song bây giờ đã biết sự ăn uống thói cách phương Tây”. Dường như, những người sống trong tu viện là người nghiện trà.
Philíp Bỉnh thấy gai mắt và kinh ngạc khi thấy người ta pha chè với cà phê, với sữa… còn cái thói uống trà với đường khiến ông khó chịu nhất, như thể điều ấy phá hủy toàn bộ văn hóa uống trà truyền thống của Việt Nam, ý nghĩa độc đáo và không khí của nó.
Thật thú vị, dù chỉ so sánh sơ lược mối liện hệ của trà trong văn hóa truyền thống của bốn nước vùng Viễn Đông. Ở Triều Tiên, từ trên các dãy núi, khắp mọi nơi nước mạch nguồn mát lạnh, ngon tuyệt vời chạy ra, nhưng đáng ngạc nhiên là thói quen uống trà không được phổ biến rộng rãi. Ở Trung Quốc, quê hương của chè, tập quán này vượt ra khỏi sự uống trà thông thường, mang tính chất như nguyên liệu thuốc, sau đó là trong các nghi lễ Thiền định của Phật giáo, gần gũi với Thiền của Phật giáo Việt: các tu sĩ uống cho tỉnh táo, không ngủ gật khi nhập định. Trong văn hóa, các nghi lễ được coi trọng. Mối liên hệ của việc uống trà này với các nghi lễ được duy trì một cách tiềm ẩn.
Ở Việt Nam, khi dâng chén trà cho khách, bạn thể hiện sự kính trọng với họ. Nghĩa là khi uống trà, là đặt những tiền đề biến nó thành cái gì đó có ý nghĩa lớn lao hơn, chứ không đơn giản là sự giải khát thông thường. Chính vì thể, ở miền Nam Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, dưới chế độ Sài Gòn trong làn sóng hình thành, phát triển cải cách tôn giáo khác nhau (Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên), xuất hiện học thuyết Đạo Trà – tôn giáo đặt niềm tin với trà – nhưng sau đó chẳng bao lâu, trở thành chuyện buồn cười. Quan hệ đặc sắc của trà có gốc rễ trong đời sống sinh hoạt và văn hóa của bốn nước Viễn Đông. Dĩ nhiên, truyền thống Việt Nam không phải được tạo ra bởi các nghi lễ phức tạp, truyền thống ấy có nét đặc trưng khác hẳn với nghi lễ uống trà Nhật Bản (trà uống trong nghi lễ này, thực ra không được ngon lắm). Nhưng ở Việt Nam ý nghĩa của trà trong văn hóa thực to lớn.
Những điều nói trên phần nào đó giải thích vì sao Philíp Bỉnh, con người cẩn thận, hoàn toàn không chấp nhận được kiểu uống trà của châu Âu. “Mọi năm, điều (đều) có nhiều chiếc tàu buôn chè nước Đại Minh (Trung Quốc) về, mà bao nhiêu cũng hết, vì người ta uống lắm”. Các thương nhân Bồ Đào Nha không bao giờ bị lỗ vốn khi buôn chè – bởi đó là thứ nhu cầu hàng ngày, nhu cầu thường xuyên ngày càng tăng. Philíp Bỉnh, con người ham tìm hiểu, đối với điều này đã làm phép tính kinh tế thú vị: “Chè bởc (bậc) thứ nhất thì hai quan sáu tiền bốn mươi đồng, chè bởc thứ hai thì hai quan, bởc thứ ba thì một quan năm tiền một cân; song cân thì nhẹ, vì chè nước khác (Trung Quốc) thì mỗi một hòm là 50 cân, mà phương Tây bán là 80 cân”. Philíp Bỉnh gọi đơn vị đo trọng lượng Trung Quốc “lượng” (gần 600 gam) là “cân”; sự khác biệt và lợi nhuận mà các thương gia Bồ Đào Nha được hưởng là ở đó.
Nhưng tôi muốn hướng sự chú ý tới vấn đề khác. Philíp Bỉnh không hài lòng với người sử dụng trà. Ở đây, trong sách của ông cất lên sự bực bội rất rõ: “Chè buôn về phương Tây là chè tốt song tốt cũng như xấu vì bỏ đường vào thì thấy mùi ngọt mạnh hơn mùi chè. Cho nên một hai khi tôi đi thăm viếng nhà ai, mà người ta mời uống chè, khi tôi chẳng muốn nói thì lặng mà uống cũng như người ta, song có khi muốn nói, thì bảo rằng chén tôi thì đừng bỏ đường, người ta lấy làm lạ, thì tôi mới nói rằng: “Nước An Nam chúng tôi cũng như nước Đại Minh khi uống chè, không bỏ đường vào để biết mùi chè”.
Các vị chủ nhà chưa quen với cách uống trà theo văn hóa phương Đông, ngạc nhiên liếc nhìn nhau, nhưng dĩ nhiên cũng đáp lại nguyện vọng của khách Việt Nam, mà người đó cũng hết lòng cố gắng tìm hiểu họ: “Phương Tây khi sang buôn phương Đông, mua chè về mà uóng, thấy vị đắng liền bỏ đường vào cho ngọt, liền ra thói ấy đến sau lại thêm sữa bò và cà phê”. Ông cũng còn cắt nghĩa rằng, khi ở Việt Nam chưa từng thấy kỹ thuật khuấy tan đường trong nước trà bằng thìa bạc nhỏ.
Dĩ nhiên, bài học này các vị chủ nhà thường nhanh chóng lĩnh hội: “Cho nên từ ấy về sau mà khi tôi đến thăm thì nhà ấy chẳng bỏ đường vào chén trà tôi uống, vì đã biết ý”.
Sự quen biết và liên hệ Philíp Bỉnh với những người Bồ Đào Nha trở thành thường xuyên, bền chặt, trong các gia đình, người ta biết và chú ý đến tập quan và khẩu vị của khách Việt Nam, người đã thể hiện ở đây lòng trung thành với truyền thống Việt Nam. Nhà bác học, nhà thơ Ngô Thì Nhậm (1746-1803) người cùng thời với ông, một trong những phụ tá gần gũi của Nguyễn Huệ, lãnh tụ phong trào Tây Sơn cũng đã viết về điều này. Trong quyển sách của mình. Philíp Bỉnh cũng nhắc đến một trong những sự kiện về Ngô Thì Nhậm. Và không phải ngẫu nhiên, nhân vật này trở thành con người rất nổi tiếng trong lịch sử văn hóa Việt Nam thời đó.
Ngô Thì Nhậm trong tác phẩm Cúc hoa thi trận của mình đã đặt trà vào hàng những khoái cảm, lạc thú thanh cao – ngang với thú đọc thơ, thưởng thức âm nhạc tuyệt diệu và hoa. “Ta thường nghĩ, người bình thường có bốn điều không thể biết đó là: chơi hoa Châu Lan không biết thơm, uống Chè Long Tĩnh không biết ngon, nghe khúc điệu cung đình không biết vui, đọc thơ cầm sắt không biết hay. Bởi vì bốn cái ấy thanh cao quá, không thích hợp với người thường vậy.
Tuy vậy, đó là nói chưa biết mà thôi. Còn khi đã biết rồi, thì ở dưới trời này, những cái gọi là hoa, là chè, là khúc, là thơ, có cái gì lại cao diệu hơn được những cái ấy”.
Khác hẳn với Ngô Thì Nhậm, Philíp Bỉnh khao khát hiểu được người châu Âu (cụ thể là người Bồ Đào Nha) và sự khác nhau giữa truyền thống của họ với Việt Nam. Điều đó, thoạt tiên là thực tại thường ngày (uống trà với đường hoặc không đường) bắt buộc phải suy nghĩ. Philíp Bỉnh nhìn nhận văn hóa truyền thống Việt Nam một cách chọn lọc, kỹ càng, khao khát giữ gìn những giá trị của nó mà thời đó ngay những người châu Âu có thiện ý cũng không hiểu được giá trị ấy trong sức mạnh tính cách và sự đặc sắc truyền thống văn hóa của mình.
Nói về trà, về biểu tượng của văn hóa Viễn Đông, Philíp Bỉnh giữ vững niềm tin của mình: Ông tư duy trên quy mô thế giới. Qủa thực, ông đề cập tới không chỉ sự phổ biến trà của người châu Âu, mà còn thông tin về các tổ chức của các đồn điền trồng chè ở Baraxin, ở Tân thế giới. “Bây giờ vua Bồ Đào Nha lại lấy giống chè nước Đại Minh cũng đem nhiều nhường nước ấy về để cho nó blồng (trồng) chè trong một vườn Dòng Đức Chúa Zêsu ở Thế giới mới”.
Philíp Bỉnh đã ghi lại sự phổ biến trà toàn thế giới – Biểu tượng của giao lưu văn hóa Viễn Đông với phương Tây.
Nguồn: sưu tầm