Nếu có thể chỉ ra một trong những dòng sản phẩm xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhiều nhất hiện nay thì nhiều người sẽ đồng ý đó là các loại trà đóng chai uống liền. Bên cạnh việc giải khát và tiện lợi, các công ty đã nắm rõ tâm lý của người tiêu dùng hiện nay đó là người Việt Nam càng ngày càng quan tâm đến sức khoẻ của mình nhiều hơn nên các công ty này đã rất chú trọng trong việc phổ biến các thành phần có lợi cho sức khoẻ trong các sản phẩm của mình. Vậy có đúng là các sản phẩm này tốt cho sức khỏe như được quảng cáo?
Các thành phần này là gì?
Một trong những đặc điểm được nhấn mạnh trong quảng cáo là trà đóng chai thường đi kèm với một thành phần hoá học nào đó. Và hầu hết các sản phẩm đều có một góc khá lớn trên nhãn để giới thiệu về chất này có tên là gì và tốt ra sao. Tất nhiên là các thành phần này được cho là rất tốt cho sức khoẻ và người tiêu dùng được khuyến khích dùng sản phẩm thường xuyên để bổ sung các thành phần hoá học này hàng ngày. Mỗi mỗi sản phẩm có một cách khác nhau để quảng bá nhưng tựu chung sẽ quay quanh các chất như sau: EGCG và OTPP.
EGCG
EGCG là tên viết tắt của Epigallocatechin gallate là một dạng chất chống oxy hoá, một dạng của catechin được tìm thấy rất nhiều trong trà xanh, trà trắng và có nhưng rất ít trong trà đen. EGCG thật sự có những lợi ích tốt lên cơ thể của chúng ta. Đầu tiên phải kể đến khả năng giúp điều trị bệnh ung thư. Nhiều cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng EGCG giúp hỗ trợ điều trị các bệnh như ung thư vú, đường ruột, phổi, gan và ruột kết. Bên cạnh đó, EGCG còn thúc đẩy sự phá hủy của các tế bào ung thư.
Ngoài khả năng hỗ trợ trong việc điều trị một số bệnh ung thư, EGCG còn có tác dụng tốt lên bộ phận quan trọng nhất của cơ thể chúng ta đó chính là: não bộ. Trong một cuộc nghiên cứu được đăng trên “Molecular Nutrition & Food Research” vào năm 2012, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu những tác động của EGCG lên não của chúng ta đặc biệt là khu vực vùng dưới đồi não (vùng hippocampus), đây là khu vực hình thành ký ức và thường bị ảnh hưởng bởi các căn bệnh Alzheimer và Parkinson. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng EGCG giúp thúc đẩy quá trình sản sinh neuron thần kinh (neurogenesis) trên chuột bạch và do đó cải thiện khả năng nhận biết.
Hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch cũng là một trong những lợi ích mà EGCG đem lại. Trong bài nghiên cứu của mình vào năm 2007, Tiến sỹ Swen Wolfram đã nêu ra nhiều lợi ích của trà xanh cho các bệnh về tim mạch. Kết luận của ông được đưa ra dựa trên một cuộc khảo sát trên một nhóm tình nguyện viên, những người uống 5-6 tách trà mỗi ngày có nghĩa là mỗi ngày những người này hấp thu 200 đến 300mg EGCG. Ngoài ra EGCG còn có nhiều lợi ích làm đẹp như giảm cân, chống gốc tự do giúp chống lão hoá, hỗ trợ chống ung thư da và nhiều tác dụng tốt khác nữa.
OTPP
OTPP là viết tắt của oolong tea polymerized polyphenols cũng là một dạng polyphenol tương tự như EGCG nhưng có tác dụng thiên về giảm cân nhiều hơn. Trong một cuộc nghiên cứu vào năm 2003 của các nhà khoa học Nhật Bản, họ đã làm một phép so sánh giữa trà Ô Long và matcha (bột trà xanh) trong việc đốt năng lượng dẫn đến giảm mỡ và kết quả là trà Ô Long đã chiến thắng trong cuộc so sánh này. Do mức độ EE (energy expenditure – tiêu hao năng lượng) của trà Ô Long luôn cao hơn so với trà xanh trong khoảng thời gian 30, 60, 90 cho đến 120 phút nên các nhà khoa học đã kết luận rằng trà xanh tốt hơn trà Ô Long về nhiều lợi ích sức khoẻ thế nhưng riêng về khả năng đốt năng lượng giúp hỗ trợ giảm cân thì trà xanh không thể sánh bằng trà Ô Long.
Có nên uống trà đóng chai?
Cả EGCG và OTTP đều thật sự tốt cho sức khoẻ của chúng ta. Những gì các công ty ghi trên nhãn hàng của họ về 2 thành phần polyphenols đều phần nào đúng và có cơ sở hẳn hoi. Thế nhưng sự thật là hàm lượng của 2 hợp chất này có trong mỗi chai nước trà đóng chai là rất thấp. Nếu làm một phép so sánh đơn giản thì bạn cần uống đến 20 chai nước trà đóng chai để có được hàm lượng polyphenol tương đương trong một tách trà. Đây chính là kết luận của Tiến Sỹ Shiming Li, một nhà khoa học thuộc tập đoàn WellGen và kết luận này của ông được đăng trên website về sức khỏe hàng đầu thế giới là WebMD. Trong nghiên cứu của mình, ông Li cộng sự đã đo hàm lượng polyphenol có trong 6 nhãn hàng trà đóng chai phổ biến nhất trên thị trường Mỹ. Kết quả là hàm lượng polyphenol có trong chai nước 16 oz (gần 500ml) chỉ là 3-88mg, trong khi một tách trà xanh hay trà đen trung bình chứa 50-150mg hàm lượng polyphenol.
Ông còn cho hay hàm lượng polyphenol mà các nhà sản xuất đăng trên nhãn hàng của họ có thể không hoàn toàn chính xác vì không hề có bất kỳ một chuẩn mực nào về việc này được ban hành bởi chính phủ hay bất kỳ tổ chức nào trên thế giới. Bên cạnh đó, polyphenol thường bị mất dần theo thời gian đối với bất kỳ loại trà nào. Từ lúc bạn đổ nước nóng để pha trà thì polyphenol trong trà sẽ từ từ biến mất theo thời gian. Do đó việc giữ hàm lượng polyphenol cao trong một chai trà đóng chai là việc cực kỳ khó hoặc phải dùng một phương pháp bảo quản nào đó.
Nếu nhu cầu của bạn đơn thuần là tìm một loại thức uống dễ uống và giải khát nhanh chóng thì trà đóng chai không phải là dòng sản phẩm tồi. Tuy nhiên nếu bạn cần uống trà để thưởng thức và thật sự uống vì sức khoẻ thì hãy dùng những loại trà “thật”. “Thật” ở đây là những cánh trà được trồng và sản xuất theo phương pháp truyền thống, bằng đôi tay của những người nông dân hay nghệ nhân làm trà, đòi hỏi bạn phải pha ra để cảm nhận được hương vị độc đáo trong từng chén trà ngon.
Nguồn: sưu tầm