Trà Long Tĩnh thường cứ khoảng 15-20 ngày là có thể hái búp một lần. Những hôm trời nắng đẹp, sau khi hái búp trà 3 ngày là những chồi non đã bắt đầu nhú lên, còn những ngày trời lạnh thì cây trà dường như ngủ quên, mãi không ra búp. Búp trà Long Tĩnh tươi thường được hái dài không quá 2cm, khi hái chú ý không hái lá rách, và chừa lại lá sữa chưa mọc mầm.
Quá trình sao trà Long Tĩnh sẽ quyết định màu sắc, hình dạng và hương vị của trà. Trước đây sao trà thường dùng củi hoặc than củi, việc canh lửa rất khó, đòi hỏi người làm phải có rất nhiều kinh nghiệm. Hiện nay, để tiện khống chế nhiệt độ, người ta thường dùng chảo điện để sao trà. Việc sao trà Long Tĩnh gồm 2 giai đoạn: làm khô và tạo dáng cho trà. Ban đầu người ta sẽ để nhiệt độ cao, sau đó hạ thấp nhiệt độ dần và duy trì nhiệt độ trong khoảng 240 – 300 độ C, tay chủ yếu là nắm và hất. Đợi cho đến khi búp trà héo và trở nên dẻo hơn thì tiến hành việc tạo hình bằng tay trộn, ép, lực ép từ nhẹ tới mạnh để làm cho búp trà từ thẳng trở thành búp dài và ép cho dẹp lại. Khi trà đã bắt đầu khô nhẹ thì giảm nhiệt độ xuống còn khoảng 100 độ và dùng tay xoa, ép, đảo trà ngày một mạnh hơn cho đến khi trà khô hẳn.
Pha trà Long Tĩnh đẹp nhất là nên dùng ấm bát tràng để thấy búp trà nở ra dần dần. Trà Long Tĩnh có hương thơm đậm, ngọt, nước trà màu vàng nhạt ánh xanh, vị ngọt bùi giống như hạt dẻ hoặc lá cải phơi khô, hậu vị ngọt và lưu rất lâu trong cổ.