Trà thái nguyên chia sẻ Uống trà với Cá khô – Phong cách miệt vườn
Ở miệt vườn, ngoài lối uống trà cầu kỳ sang trọng như ở Bắc, ở Trung còn có một lối uống trà dân dã, bình dân …
Cái bình uống trà ở miệt vườn xưa rất bự, chứa hơn một lít nước, có tráng men và vẽ hoa văn, hình bát tiên… rất phổ biến tới nay. Cho vào bình nguyên một gói trà, châm hết một siêu nước thì vừa đầy cái bình. Bình này người ta gọi là cái “bình tích” trà. Độc đáo hơn nữa là bình trà được đặt vào trọn trong cái vỏ dừa khô, để giữ nóng lâu. Từ cái vỏ trà bằng trấu biến thành cái vỏ bằng trái dừa, mới thấy hết cái cách sáng tạo của người miệt quê mình.
Các ông bà già xưa còn có thói quen uống trà bằng chén kiểu, vừa húp vừa uống rất điệu nghệ. Trà nguội thì quí cụ lại đổ hết ra cái tô kiểu lớn cả nước lẫn xác trà để giải khát suốt ngày.
Cái thói quen ở quê là uống trà vào buổi sáng sớm. Uống xong bình trà thì mặt trời vừa ló rạng… bắt đầu cho ngày mới. Uống trà đối với người miệt quê ngoài là thú vui, còn làm dễ tiêu hóa, điều hòa tinh khí, có ích cho sức khỏe nữa.
Nhiều người còn rang đậu, gạo, hột keo để nấu nước uống thay trà, vừa thơm vừa bổ dưỡng, mát gan nhứt là vào mùa Hè.
Cái tục lệ uống nước gạo rang, đậu rang… tới nay vẫn còn vì bà con cho rằng uống nước đậu, gạo rang “tốt lắm” nên khuyên con, khuyên cháu không nên bỏ.
Uống trà với cá khô
Còn một kiểu uống trà độc đáo nữa. Đó là kiểu uống trà với cá khô. Nhiều người nghe phải “giựt mình” vì cá khô làm sao uống trà cho được. Trà phải uống với bánh ngọt, kẹo đậu phộng hoặc tệ lắm phải với đường tán, đường thẻ chớ ! Này nhé !
Nếu có về Tân An, vô trong ruộng miệt Đồng Tháp, bạn sẽ được mời uống trà với cá khô. Vừa đặt chân vô nhà, chủ kéo bạn ngồi xuống bộ ghế trường kỷ, bảo mấy sắp nhỏ nấu trà, đãi khách phương xa. Kèm theo bình tích trà là dĩa khô cá bóng trứng ngào đường. Con cá bóng trứng nhỏ bằng đầu mút đũa, vàng óng và lóng lánh phơi cái bụng đầy trứng thấy mà thèm. Nhai con khô vừa mặn, vừa ngọt, vừa béo, giòn giòn… nuốt xong, ngụm một tách nước trà Kỳ Chưởng mới hiểu thế nào là uống trà với khô. Lúc đầu còn hơi ngán, làm vài con nữa bạn sẽ thấy ngon và bắt đầu “biết đã”, biết thích.
Ngồi trong căn nhà ngói ba căn, hai chái, nền đất nghe mát rượi giữa trưa Hè, bạn sẽ nghe gia chủ kể chuyện lai lịch cái kiểu uống trà “kỳ cục” của miệt này.
Hồi đó – gia chủ say sưa kể – nhà có tiền nhưng ở tận Đồng Tháp này đâu có quán xá, chợ búa gì đâu, nên uống trà thường cầm tay bằng đường tán. Gặp khi hết đường phải uống “khan khan”, đâm ra buồn nên kiếm “đồ cầm tay” cho vui. Sẵn nhà có khô lấy nhai bậy cho đỡ buồn, rồi thành quen thấy ngon và ghiền tới nay là vậy đó. Nay dầu bánh trái không thiếu, chợ búa sát nhà mà nhiều người còn có thói quen uống trà với khô tạp ngào đường.
Từ cái bình tích trà, cái vỏ dừa, đến cách uống nước trà bằng con khô… là những cái nét đẹp xưa của người dân miệt vườn.
Giữ gìn cái đẹp xưa không chỉ là “hoài cổ” mà là vì thiết tha với tổ tiên!
Trà dầu cao sang hay dân dã vẫn là thức uống dùng để cúng của người mình. Có những lễ cúng không cần rượu, nhưng hình như trà không thể thiếu.
Ngày Tết, ngày giỗ ngoài cúng cơm hai buổi sáng, chiều thì trà được dâng cúng vào buổi tối.
Từ khi trà có mặt như là thức uống của ta, thì trà không còn phân biệt sang hèn, làm tri kỷ từ vua chúa đến thứ dân.
Sưu tầm : Dạ Phong