Có nhiều cách khác nhau , sau khi sưu tầm thì thấy như sau :
Ý kiến 1 :
Chè búp loại này cánh săn nhỏ và cong như cái móc câu, có mầu “mốc” đặc trưng. Khi pha, thả búp chè vào ấm sành sứ cứ nghe tiếng roong roong. Ðể một dúm chè trong lòng bàn tay hà hơi vào đã thấy mùi thơm ngầy ngậy nhai thử vài cánh chè cảm nhận được vị bùi, chát, ngọt đậm đà nhả bã lấy ngón tay cái và ngón trỏ bóp, vặn thử thấy nước và bã xanh rờn như chè tươi.
Ý kiến 2 :
“Chè ngon là loại chè đảm bảo toàn diện các yếu tố sau:
– Về màu nước chè sau khi pha phải đảm bảo 5 tiêu chí: Trong, Xanh, Vàng, Sáng và Sánh. Giải thích cụ thể:
+ Nước chè phải trong, không có vẩn đục.
+ Nước chè phải xanh, không được ngả đỏ.
+ Nước chè phải sáng, không được xỉn màu.
+ Nước chè phải sánh và có ánh vàng như mật ong.
Nước chè đạt cả 5 tiêu chí trên là đạt tiêu chuẩn chè ngon, nếu thiếu thì tiêu chuẩn sẽ thấp hơn. Đặc biệt, chè đạt cả 5 tiêu chí trên, sau khi pha 2 – 3 lần nước vẫn giữ đủ các tiêu chí này.
– Về vị, cảm giác ngon hay không ngon là do thói quen về vị giác của người thưởng thức trà. Ví dụ: Phần đông Nam giới thích uống trà chát đậm, còn phần đông Nữ giới lại thích uống trà có vị chát dịu. Tuy nhiên, chè càng ngon thì độ chát của chè càng ít bị phai sau khi pha 2 hoặc 3 lần nước.
– Về hương thơm, cảm giác ngon hay không cũng phụ thuộc vào thói quen khứu giác của người thưởng thức trà. Ví dụ: Phần đông người Việt Nam thích hương cốm đặc trưng của chè Việt. Nhưng người Đài Loan lại coi vị thơm mát của chè Ô Long mới là chè thơm. Tuy nhiên, chè càng ngon thì độ lưu hương thơm của chè lâu trong điều kiện bảo quản tốt. Đồng thời, hương thơm của chè vẫn giữ được lâu sau khi pha nhiều lần nước.”
Ý kiến 3 :
Về Trà, vốn là một thức uống nên việc đánh giá ngon hay không phụ thuộc khá nhiều vào cảm tính từng người (khẩu vị người uống) xong vẫn có một vài yếu tố mà đại đa số mọi người thừa nhận là đặc tính của Trà Thái khiến Trà Thái trở thành một “Danh Trà” đất Việt, tôi có thể đưa ra đây ý kiến của tôi như sau
Những đặc tính
– Có màu mốc trên cánh Trà (màu hơi trắng như mốc cau)
– Cánh trà Xoăn, cong, săn, bé như móc câu (người ta gọi Trà móc câu là vì vậy)
– Trà có hương cốm khi ngưởi (đây là đặc tính duy nhất trà Thái có)
– Hậu vị ngọt
– Đầu vị trầm
– Màu nước xanh hoặc hơi vàng, trong
Cách thử Trà
– Đầu tiên bạn nhìn cánh trà bạn thấy có những đặc tính như xoăn, nhỏ, săn (đây là loại trà tôm nõn thường không có màu mốc cau) hoặc những cánh trà lớn xoăn có màu mốc cau.
– Bạn ngửi thử Trà bạn thấy có hương thơm của cốm
– Cho một ít trà vào miệng, ngậm (không nhai) nước đầu thấy ngọt lợ đầu miệng ngay thì đó là trà đã bị sao cùng Mỳ Chính (Bột ngọt) hoặc Cam Thảo, nếu có vị hơi chát thì đảm bảo không có Mỳ chính hay Cam Thảo, sau đó bạn nhằn nhỏ cánh trà, nuốt thử nước trà vừa nhai thấy chát sau đó ngọt ngay cổ họng, đó là trà tốt, bạn nhai nhuyễn rồi cho ra tay, dùng hai đầu ngón tay vày thử bã nếu bạn thấy bã chè tơi, màu hơi vàng thì đó là trà thường, nếu bạn thấy bã nhuyễn như bột có cảm giác bã quyện vào nhau màu xanh thì đó là trà tốt.
– Nếu có thời gian bạn có thể pha thử một tách trà uống thử, bạn tráng trà xong, ủ trà trong vòng 15 giây, rót trà ra thấy có màu xanh, nước trong, nếu vàng thì phải là màu vàng mật ong và nước phải trong, màu sáng, uống thử thấy vị êm không chát xít, hương cốm, hậu vị ngọt nhưng không lợ uống xong một lúc không thấy cổ họng chát.
Nguồn: sưu tầm
Thế Anh Thế Duy
24/09/2015Mọi người cho hỏi. Làm sao biết cách nhận biết chè để lâu hay chè mới hái