Trà đạo Nhật Bản:
Với người Nhật, trà đạo là một hình thức uống trà để giải trí trong một bầu không gian tĩnh lặng, nhằm mục đích hướng đến sự thư giãn tinh thần và sự hòa hợp với thiên nhiên. Các buổi trà đạo thường diễn ra với những nghi thức cầu kỳ với những qui định nghiêm khắc nhưng hết sức tinh tế.
Với một bộ dụng cụ pha trà rất đặc biệt, tinh xảo, chủ nhà biểu diễn các bước pha trà với những cử chỉ tỉ mỉ, khéo léo và nhanh nhẹn. Trước hết bột trà được cho vào bát sứ với một lượng chuẩn nhất định (khoảng nửa muỗng cà phê). Sau đó chủ nhà rót nước sôi vào từng bát một rồi dùng một dụng cụ nhỏ bằng tre đánh nhẹ cho đến khi trà sủi bọt rồi cung kính mang đến cho từng người khách.
Cách thức uống trà của khách cũng được quy định nghiêm ngặt. Trước khi uống, khách để hai tay xuống sàn nhà, cúi đầu chào mọi người, rồi cung kính nâng bát trà lên, xoay bát ba lần theo hướng kim đồng hồ, sau đó từ từ uống. Khi uống xong, khách xoay bát theo hướng ngược lại về chỗ cũ, rồi lại nhẹ nhàng đặt bát xuống. Những buổi trà đạo làm cho con người quên đi những nhọc nhằn thường nhật, tâm hồn trở nên thanh thoát.
Nghệ thuật uống trà của Trung Hoa:
Nếu có dịp đi du lịch Trung Quốc, bạn sẽ được thưởng thức nghệ thuật uống trà của người Trung Hoa tại một số quán trà nổi tiếng ở Bắc Kinh.
Bước đầu, chủ quán, những cô gái trẻ xinh đẹp trong trang phục truyền thống sẽ hồ hởi chào khách rồi giới thiệu sơ qua xuất xứ, lai lịch, cách chăm sóc, chế biến, cách nhận biết chất lượng các lọai trà: trà long tĩnh, trà ngọt, trà sinh thái, trà ô long, trà tam thất, trà hoa cúc…Mỗi lọai một hương thơm, tinh chất, mùi vị khác nhau. Theo lời giới thiệu thì trà nào cũng có công dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, trẻ mãi không già v.v…
Trong khi một cô gái giới thiệu về trà thì hai cô khác súc ấm, tráng chén, chọn chè…Mỗi động tác đều rất chính xác, khéo léo và uyển chuyển như múa. Có lẽ vì thế mà ly trà có vẻ đậm đà hương vị, ngọt ngào tinh khiết hơn chăng ?
Uống trà ở Nga:
Trà là thức uống được yêu thích của đất nước này. Là một xứ lạnh nên người Nga không uống trà kiểu nhâm nhi như người châu Á. Hầu như gia đình Nga nào cũng có ấm “Xamova”(ấm tự nấu). Nhờ thế, nước trà lúc nào cũng nóng.
Người Nga thường uống trà đen (hương vị gần giống như trà Lípton), trong những cái ly thật to (khỏang 100 – 200 ml), với đường hoặc với kẹo. Có nhiều người vừa uống trà vừa cắn những miếng đường hay một thứ kẹo nào đó. Trà đen thường uống với chanh. Lọai chanh màu vàng, to bằng nắm tay, không chua lắm và rất thơm. Những mùa đông Nga buốt giá, thật tuyệt vời khi ngồi quanh ấm Xamova, nhấm nháp những ly trà đen nóng hổi, nhìn những bông tuyết rơi trắng xóa bên ngoài cửa sổ …
Uống trà theo kiểu Ấn Độ:
Có lần, một anh bạn người Ấn Độ đã biểu diễn cách thức uống trà của dân tộc mình. Anh ta nấu một bình nước sôi, cho vào đấy một ít trà đen. Đợi vài phút cho trà thấm, anh ta cho vào bình đó khỏang 1/3 hộp sữa đặc. Sau khi quấy đều cái hỗn hợp đó, anh ta nhấc xuống. Trong khi tôi tròn mắt nhìn thì anh ta nhấp một hớp, xúyt xoa: “Ngon quá !”. Tôi gật gù “Có thể !”. Bởi ngon hay dở là tùy thuộc khẩu vị từng người!
Trà đạo Việt Nam:
Dạo này, ở nhiều thành phố đã xuất hiện các quán trà sang trọng được bố trí theo phong cách Nhật Bản nên việc thưởng thức trà tại đây cũng được gọi là trà đạo. Ở đây có nhiều lọai trà với đủ thứ tên gọi hoa mỹ. Ví dụ như trà Vọng nguyệt là trà ướp hoa lài, trà Tịnh tâm ướp hoa sen, trà Long tĩnh là các lọai trà búp non, trà Cung đình là trà mạn, thêm một số vị thuốc bắc khác như du tử, cát căn, cam thảo, long nhãn, táo tàu …
Điều hấp dẫn ở những quán trà Cung đình này là một không gian tĩnh lặng với cách bố trí gần gũi với thiên nhiên. Những lối mòn lát gạch yên tĩnh tạo cho khách cảm giác thanh bình yên ả. Những gốc cây cổ thụ trầm tư, tượng trưng cho sự trường thọ. Vài cây tre thẳng đứng thể hiện cho sức mạnh và chí tiến thủ. Một hồ nước nho nhỏ với hòn non bộ, cầu treo, thác nước, biểu trưng cho tiền tài và của cải…
Các quán trà đạo hoặc trà Cung đình thường có những phòng nhỏ riêng biệt, yên tĩnh và kín đáo. Mỗi phòng được thiết kế, bài trí khác nhau nhưng đều trang nhã và lịch sự, với những bức tranh tĩnh vật, những kiểu sắp đặt nghệ thuật và những lọ hoa tươi.. Khách ngồi trên những chiếc gối bông quanh cái bàn thấp hoặc trên những chiếc chiếu hoa.
Các cô tiếp viên trong những bộ trang phục cổ xưa bưng lên những bộ đồ trà giả cổ với đầy đủ các “dụng cụ” chuyên dụng: Bộ ấm chén màu gan gà, khay gỗ, que đảo trà, đũa gắp, hộp đựng đường phèn, phích nước sôi …Vừa tráng ly, đảo ấm, pha trà…cô gái vừa giới thiệu về xuất xứ, công dụng, cách thức pha của từng lọai trà.
Với một ấm trà 15- 20 ngàn đồng, khách có thể vừa nhâm nhi vị trà, vừa đàm đạo đủ thứ chuyện trên trời dưới biển với thời gian bao nhiêu tùy thích. Trong chén trà cung đình nhỏ xíu xiu ấy có đến mấy thứ mùi vị khác nhau: Vị chát của trà, mùi thơm của cam thảo, vị ngọt dịu của táo tàu, vị ngọt mát của đường phèn…Nhấp một hớp trà, chép chép miệng, tận hưởng và phân định từng lọai hương vị. Thỉnh thoảng, dùng que gắp gắp một miếng long nhãn hay quả táo tàu, đưa lên miệng nhấm nháp…
Chỉ thế thôi cũng đủ trả lại cho tâm hồn sự bình yên vốn trở nên hiếm hoi trong cuộc sống bề bộn này…
Nguồn: sưu tầm