1. Hoà, kính, tinh, mịch – bốn chữ vàng
Tiến sĩ Sen Soshitsu, sinh năm 1923 là hậu duệ đời thứ 15 của đại trà sư Sen no Rikyiu, tổ sư môn phái Trà đạo Urasenke. Ông là tác giả nhiều sách về Trà đạo: Tinh thần của Trà, Trà đạo: Từ nguồn gốc tại Trung Hoa đến Sen Rikyiu, Chanoyu: truyền thống dùng trà của môn phái Urasenke, Nghệ thuật dùng trà, vv. Ông đã xuất ngoại hàng trăm lần đến giới thiệu và trình bày Trà đạo tại mấy chục nước trên thế giới. Năm 80 tuổi, ông rút lui, nhường chức danh đại trà sư đứng đầu môn phái Trà Urasenke cho người con trai cả là tiến sĩ Zabosai sinh năm 1956. Bắt đầu từ 22-12-2001 ông này mang danh hiệu Sen Soshitsu XVI.
Trà là thức uống ngàn xưa của các dân tộc Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên…; trà cùng với cà phê, cả hai đều gốc gác ngoại lai, là hàng tiêu dùng thông dụng hằng ngày của người Âu, người Mỹ, người Nga…, nhưng cùng một loại sản phẩm mà quan niệm về trà cách thưởng thức trà rất khác nhau. Có mấy ai ngoài người Nhật biết đến Lễ thức dùng trà được nâng lên ngang một “đạo” gọi là Trà đạo ?
Trên thực tế, như lời học giả và trà sư Sen Soshitsu XV, hậu duệ đời 15 của đại trà sư Sen Rikyiu, người đặt nền móng cho Trà đạo ở Nhật Bản vào thế kỷ XVI, đã viết: “Trà đạo, dưới con mắt của nhiều người nước ngoài thường xuyên bị bao phủ trong một tấm màn huyền bí. Thật ra, nguyên lý của nó rất đơn giản: một nhóm nhỏ bạn bè gặp nhau trong mấy tiếng đồng hồ, cùng nhau dùng thức ăn nhẹ và thưởng thức vài chén trà, dĩ nhiên tuân theo cung cách nhất định, để cùng nhau buông mình vào khoảnh khắc hoàn toàn thư giãn giữa cuộc sống luôn luôn sôi động, đầy rẫy những chuyện trớ trêu”. Để chứng minh, ông dẫn một giai thoại: Một lần đại trà sư Rikyiu tự tay pha chế trà mời mấy người bạn thân thưởng ngoạn. Ai nấy đều cảm thấy vô cùng thoải mái, như thể vừa xuất thần. Một người hỏi đâu là bí quyết. Rikyiu đáp: “Bí quyết ở chỗ các vị chuẩn bị tâm thế khiêm cung khi thưởng thức trà”. “Thì ai chẳng biết chuyện ấy” – người bạn nói. “Vậy thì – Rikyiu cười – vậy thì xin bạn hãy bắt tay chuẩn bị trà hầu quý khách như tôi vừa làm. Tôi sẽ là khách mời của bạn, và có thể sẽ trở thành một môn đồ của bạn cũng nên”.
Nói cho đúng, Trà đạo có những phép tắc của nó. Theo tổ sư Rikyiu (1522-1591), những phép tắc ấy gói gọn trong bốn từ gốc Hán: wa-kei-sei-jaku (hòa-kính-tinh-mịch). Chúng yêu cầu những người cùng dự Lễ thức trà (chanoyu-trà thang) chấp nhận một số quy tắc ứng xử, nhiều khi cũng khiến nhưng người chưa quen cảm thấy gò bó. Tuy nhiên, theo môn đồ trà đạo, chanoyu chẳng qua là thực hiện những việc vẫn diễn ra thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày: mấy người bạn ngồi xuống chiếc chiếu, dùng chung một bữa cơm, thưởng thức vài chén trà. Vẫn theo Sen Soshitsu XV, bốn từ wa-kei-sei-jaku không hàm chứa những gì quá ư cao siêu, huyền bí, ngoài khuôn khổ cuộc sống thường nhật. Đại trà sư Sen Rikyu có lần giải thích: “Chanoyu đơn giản là việc nhặt gom than củi, đun sôi siêu nước và pha trà uống với nhau – chỉ có thế mà thôi”.
Pha trà
Wa (hòa) cội nguồn từ Khổng giáo, là đức của con người và của cuộc đời. Hòa, thuận hòa, hài hòa, hòa bình, hòa hợp, hòa đồng…, chúng ta ai cũng đều rõ nội dung, song quan niệm về hòa của Trà đạo nhấn mạnh một số nét riêng. Hòa đòi hỏi mọi người trong trà thất tự chuẩn bị cho mình một tâm thế hài hòa với khung cảnh, kiềm chế lòng vị kỷ và sự nóng giận, làm sao cho tư duy và hành xử của mình hòa hợp với mọi người. Chữ hòa của Trà đạo đề cao tính trang trọng và nét thanh bần vốn là tinh chất của cuộc đời bình dị, nhờ vậy tạo nên được khoảnh khắc tách biệt hẳn cuộc sống xô bồ hiện hữu bên ngoài. Hòa đòi hỏi mọi người đồng thuận thực hành một số quy định như cúi người đến mức nào khi chào nhau, chuyện trò trong trà thất nên hướng vào những chủ đề gì, khách dự cần giữ im lặng chờ đến lúc nào mới nên cất lời phá bầu không khí tĩnh mịch, vv.
Ý nghĩa sâu xa của chữ hòa ở đây là sự bình đẳng xã hội của mọi người trong trà thất. Đã vào đây thì ai cũng như ai, không cần biết thân thế của mỗi người cao sang hoặc hèn kém. Sự bình đẳng này giúp cho mọi người ít nhất trong chốc lát cảm thấy mình hoàn toàn tự do, không chịu bất cứ sức ép nào và từ đâu đến. Bình đẵng không có nghĩa là hỗn độn. Đã thỏa thuận giữa các khách mời với nhau trước khi bước vào trà thất, là ai sẽ là người ngồi vào chỗ danh dự, mỗi người sẽ có phần việc ra sao… Để tạo nên khung cảnh và tâm thế ấy, trà thất cho dù làm riêng biệt hoặc thu xếp một nơi ngay trong nhà ở, đều phải tạo cho được vẻ giản dị, thanh bần. Do đó, có quy ước trà thất chỉ rộng bằng bốn chiếc chiếu rưỡi, trong một túp lều tranh là tốt nhất. Khách đến dự nếu là võ sĩ phải tự mình tháo kiếm gác ngoài hiên, những người quyền lực, giàu sang được khuyến cáo nên ăn mặc giản dị…
Trà sư Sen Rikyiu
Chớ nên quên hoàn cảnh trà sư Sen Rikyiu đề ra các quy tắc của Lễ thức khi lập ra môn phái trà Urasenke. Ấy là vào thời kỳ chủ nghĩa phong kiến Nhật Bản đạt thịnh trào. Ông buộc phải định chỗ dành riêng cho vị khách danh dự có nhiều quyền lực nhất, chỗ ngồi này cao hơn các khách khác một bậc. Khí hậu và thời tiết nước Nhật Bản hết sức khác biệt theo mùa. Thưởng ngoạn trà vào mùa đông đương nhiên phải khác lúc hè. Môn đồ hỏi bí quyết tạo môi trường phù hợp ở đâu. Sen Rikyiu đáp: “Mùa hè, phải gây cảm giác mát mẻ. Mùa đông, sao cho mọi người thấy ấm cúng. Hãy đun sôi nước lên, và pha trà mời khách, sao cho mọi người ai cũng cảm thấy thoải mái”. Trên thực tế các quy tắc tiến hành Lễ thức trà khá nghiêm ngặt, đòi hỏi người thực hành Trà đạo phải học hành và thực tập thành thạo nếu muốn trở thành trà tượng, trà sư. Nguyên tắc chung là lấy cái đẹp làm đầu. Đến củi dùng đun nước pha trà cũng phải được chặt chéo và cố giữ nguyên vẹn vỏ cây, làm sao khi cháy trong lò củi vẫn giữ được vẻ đẹp thiên nhiên của nó. Cách bày biện hoa nơi phòng trà phải theo một số quy tắc – có sự thay đổi ít nhiều tùy theo môn phái trà, nhưng nói chung là chọn hoa theo mùa, trình bày trang nhã song không đơn điệu hay trùng lặp. “Hãy bày hoa như thể hoa vẫn sống nơi đồng nội” – lời tổ sư Rikyiu. Tại chương Hoa trong Trà thư, tác giả Kazuko Okakura nói kỹ về câu chuyện này.
Kei (kính) thể hiện hòa trên bình diện ứng xử cá nhân. Nó cũng đòi hỏi trước hết trang trọng và khiêm cung. Tại chương Thưởng ngoạn nghệ thuật tác giả Kazuko Okakura minh họa rất khéo chữ kính của Trà đạo bằng một biểu tượng rút từ tích xưa về Cây đàn đợi chủ. Tư duy nghệ thuật của Đạo cho rằng cái đẹp tồn tại ở cái nhìn của người thưởng ngoạn nghệ thuật. Kính thể hiện ở chỗ người và người thật lòng tôn kính lẫn nhau; mọi người phải tôn kính thiên nhiên như tự nó tồn tại, chớ nên can thiệp thô bạo vào. Giai thoại sau đây về Sen Sotan, một đại trà sư trứ danh khác thời xưa, minh họa điểm này. Một hôm, nhà sư trụ trì chùa Daito sai một chú tiểu mang tặng ông bạn trà một cành hoa trà rất đẹp. Dọc đường chú tiểu sơ ý làm rụng mất đóa hoa lớn nhất. Cân nhắc hồi lâu, chú quyết định mang cành hoa cùng với đóa hoa rụng đến dâng trà sư với lời tạ lỗi. Cách ứng xử của chú tiểu chứng tỏ chú biết tôn kính một vật tầm thường là bông hoa rụng. Trà sư Sen Sotan đón nhận cành hoa, cho vào cái lọ đẹp nhất và treo nơi trang trọng trong trà thất, rồi đặt bông hoa rụng xuống dưới sàn. Nhờ chữ kính của cả hai thầy trò, cành trà hoa vẫn tự nhiên trong trà thất, tựa không có chuyện gì xảy ra.
Về cơ bản, Trà đạo là sự thực hành quan niệm: hãy cố gắng nhìn đời cho đúng thực chất của nó. Con người phải vất bỏ cái lăng kính được tạo nên bởi những tập tục và định kiến xã hội làm méo mó vạn vật. Trong thực tế, các dụng cụ dùng vào lễ thức trà đều có vẻ đẹp tinh tế, song không một vật nào vốn là những sản phẩm được tạo nên để trở thành “tác phẩm mỹ thuật”, chúng không được làm ra để phô trương nghệ thuật mà chỉ để dùng sao cho hài hòa với cái đẹp chung quanh. Quan sát kỹ, ta sẽ thấy dụng cụ pha trà những dịp trang trọng nhất cũng vẫn là những vật dụng thông thường của cuộc sống thường ngày. Biết coi trọng những vật dụng tầm thường nhất, con người sẽ nhận ra cái đẹp nơi chúng.
Pha trà
Trong quan hệ xã hội, kính đòi hỏi con người trân trọng người khác, không nuôi ác ý, tà tâm đối với đồng loại, cố gắng vượt qua mọi toan tính ganh đua. Mỗi lần tiếp khách, là mỗi lần chủ nhân phải tự coi như đây là cơ hội duy nhất trong đời có được vinh dự này. Còn khách, khi đón nhận chén trà từ tay cung kính của chủ nhân, hãy xoay chiếc chén đúng một vòng trong đôi bàn tay khum lại của mình, cử chỉ này không chỉ tỏ lòng kính trọng chủ nhân mà là tôn kính cả chiếc chén đang cầm, trong khi lòng dặn lòng hôm nay ta có được niềm vui uống ngụm chè này, trong chiếc chén này, tại trà thất này, cùng với những người bạn này, đây là cơ hội duy nhất của đời ta; niềm vui này, vinh dự này, khung cảnh này sẽ không lặp lại lần thứ hai.
Tương truyền chính sư phụ của đại trà sư Rikyiu đã dạy ông điều đó, qua mấy câu thơ mà cụ vẫn thích ngâm nga, tạm dịch ý như sau: Từ lúc đặt chân lên lối đi trong vườn (roji) để tới trà thất/ Cho đến khi giã từ/ Bạn hãy hết sức kính nhường chủ nhân/ Không một phút được quên/ Cuộc gặp gỡ hôm nay/ Là cơ hội duy nhất của đời mình. Trong cuộc sống hằng ngày, giá mọi giao tiếp giữa người và người đều được đặt trên nền tảng ấy thì cuộc đời tốt đẹp xiết bao.
Sei (tinh) không chỉ là đặc điểm quán xuyến Lễ thức trà mà là một nét đẹp rất đặc trưng trong lối sống của người Nhật, bắt nguồn từ ảnh hưởng của Thần đạo. Trà thất trông thô sơ, thanh bần vậy mà cực kỳ sạch sẽ. Khi tiến hành Lễ thức trà, tuyệt nhiên không thể tìm thấy ở đâu trong trà thất hay mọi vật dụng một hạt bụi. Hơn thế, còn phải đốt trầm thơm xông gian phòng cho tinh khiết trước khi rước khách vào. Con đường roji băng qua vườn dẫn tới trà thất cũng hết sức sạch sẽ, sạch sẽ mà vẫn tự nhiên như tác giả Kakuzo Okakura đã mô tả trong sách và cụ thể hóa qua giai thoại vị đại trà sư với người con trai được giao nhiệm vụ quét con đường. Bởi con đường ấy còn tượng trưng cái nẻo mà người đời ai cũng sẽ phải trải qua để đi vào một thế giới khác. Và muốn vào được chốn tinh khiết vĩnh hằng, lẽ đương nhiên con người phải gột sạch bụi trần.
Jaku (mịch) không chỉ là cảnh tịch mịch tạo nên nơi trà thất. Phòng trà dù làm riêng tại một góc khiêm nhường trong một khuôn viên tòa lâu đài lộng lẫy, hay chỉ một ngăn nhỏ giản đơn trong ngôi nhà ở bình thường đều phải làm sao tạo được sự tĩnh mịch. Khách cũng phải cùng tạo nên môi trường ấy. Không ai nói to trong trà thất. Không ai ngỏ lời khi một bạn đang thưởng thức chén trà. Mọi cử chỉ đều có sự cân nhắc.
Mịch của Trà đạo không chỉ là sự thể hiện trong khoảnh khắc ngắn ngủi tại một nới gặp gỡ tạm thời, mà là ước vọng tạo nên một cuộc sống luôn yên tĩnh, thanh bình. Nó thể hiện quan niệm Phật giáo về Niết bàn. Tổ sư Rikyiu nói rõ điểm này: “Lễ thức Trà trước hết phải tiến hành cho đúng lời Phật dạy. Vui thích vì được sống trong dinh thự cao sang hay thường xuyên thưởng thức của ngon vật lạ, những chuyện ấy đều thuộc về cuộc sống trần tục. Mọi nơi ở đều tốt chỉ cần có được một tấm mái che năng mưa, không bị gió thổi bay, mọi thức ăn đều là đủ nếu nó giúp con người không phải chết đói. Môn đồ Trà đạo gom mấy khúc củi và đun sôi nước. Rồi dâng cúng Phật, sau đó mời bạn bè, và mình là người thưởng thức sau cùng. Trước đó, hãy bày mấy cành hoa và đốt lên mấy mảnh trầm…”
Tại chương nói về Phòng trà, Kakuzo Okakura đã luận rất hay về nếp nhà Không Hoàn hảo. Theo tinh thần Đạo cũng như Thiền, người ta chỉ có thể nhìn thấy cái đẹp đích thực nơi cái không hoàn hảo, cái dở dang. Bởi sinh lực của đời và của cái đẹp là ở khả năng tiếp tục phát triển của nó, ở chỗ nó luôn vươn tới sự hoàn thiện. Vẫn theo lý giải của trà sư Sen Soshitsu XV, từ thế kỷ XIV, tác phẩm Luận về nhàn (1331) đã viết: “Làm bất kỳ vật gì, không nên chuộng sự hoàn tất. Chỉ những gì còn dở dang mới khiến người ta lưu ý”.
2. Học giả Kazuko Okakura và Trà thư
Một trăm năm đã qua kể từ lần xuất bản đầu, Trà thư của Kakuzo Okakura (The book of Tea – Bản dịch của Phan Quang, Nhà xuất bản Văn học 2009) là tác phẩm quan trọng giúp người nước ngoài hiểu Trà đạo và thông qua Trà đạo, cốt tủy của văn hóa Nhật Bản, cho dù sau ông đã có thêm nhiều công trình nghiên cứu sâu vấn đề này. Lý do không đơn thuần tại đây là tác phẩm đầu tiên, mà chủ yếu ở nội dung sâu sắc và chất gợi cảm của nó. Ngay lần đầu đọc cho một số thính giả chọn lọc nghe tại nhà bà Gardner, nhiều người đã đi từ ngạc nhiên tới thán phục. Cuốn sách được truyền tay từ người này sang người khác và hầu như ai đọc cũng cho đây là một bí quyết giúp họ khám phá hoặc hiểu sâu hơn phương Đông. Lối trình bày tinh tế với giọng nói tâm tình và lời văn chọn lọc cuốn hút người nghe.
Trà thư đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ, và qua một trăm năm, vẫn có người thích chuyển ngữ theo nhận thức và rung cảm của riêng mình. Các dịch giả đều rà soát chỉnh lý cẩn thận các bản dịch đã công bố của mình trước khi cho tái bản. Có thể coi như thỉnh thoảng lại ra đời một bản dịch mới. Trà thư bản tiếng Việt (với đầu đề Trà đạo) đã có hơn bốn mươi năm trước đây. Riêng các bản dịch tiếng Pháp, chúng tôi có trong tay bốn, năm bản khác nhau, trong đó có hai bản mới in năm 2007 và 2008.
Học giả Kakuzo Okakura, tác giả cuốn Trà thư, ra đời tại một ngôi làng nhỏ gần hải cảng Yokohama năm 1862, đúng vào lúc nước Nhật Bản bừng tỉnh sau mấy trăm năm tự biệt lập với thế giới. Trước đó không lâu, năm 1860, hạm đội Mỹ do hải quân đô đốc Perry chỉ huy nhân danh tổng thống Mỹ tống đạt tối hậu thư đòi Nhật Bản phải khai thông hải cảng Tokyo cho giao thương quốc tế. Đây là một đòn đánh thẳng vào lòng tự trọng dân tộc của Nhật Bản đồng thời qua đó nêu một tấm gương sức mạnh của công nghiệp hóa, kích thích Nhật Bản tự đổi mình và duy tân đất nước.
Từ một ngôi làng nhỏ của dân chài, Yokohama mau chóng trở thành một thương cảng sầm uất, tấp nập đi lại kiều dân nước ngoài. Thân sinh Kakuzo vốn là một samurai cao cấp (Võ sĩ đạo) chẳng bao lâu trở thành một thương gia giàu có nhờ buôn bán lụa tơ tằm sản xuất ngay tại làng quê mình, mà khách hàng chủ yếu là người Mỹ, người Âu. Cậu bé Kakuzo được học tiếng Anh rất sớm, và làm quen với sinh hoạt Tây phương. Được thụ giáo trực tiếp với các thầy nước ngoài, lên chín cậu bé đã nói thành thạo tiếng Anh, và đến năm 15 tuổi sẽ trở thành một trong những sinh viên đầu tiên của Đại học Hoàng gia Tokyo vừa thành lập năm 1877, một trường chuyên học về văn hóa, khoa học phương Tây và giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh hoàn toàn do các giáo sư nước ngoài đảm trách. Chắc hẳn cậu sinh viên nổi bật về ngoại ngữ, cho nên được cử luôn làm trợ lý phiên dịch giúp nhiều giáo sư. Thành công của Trà thư trước hết là nó được tác giả viết bằng tiếng Anh chuẩn mực chẳng mấy khác một người Anh chính cống. Hơn thế, tác giả lại tỏ ra rất am tường văn hóa cổ điển Âu Tây.
Tuy nhiên Kakuzo Okakura không chỉ đăm đăm hướng mắt nhìn về văn hóa Âu Mỹ như phần đông thanh niên, học sinh Nhật thời bấy giờ. Song song với Anh ngữ, cậu bé được học Hoa ngữ cổ điển (chữ Hán). Sau khi thân mẫu qua đời vào lúc cậu lên tám, người cha lấy vợ khác, cậu được đưa vào trú học bảy năm liền tại một chùa Phật học. Tại đây cậu học sách sách kinh điển Trung Hoa dưới sự dìu dắt của sư cụ trụ trì. Những hiểu biết khá sâu của Kakuzo Okakura về Lão Trang và Khổng Mạnh, về Phật và Thiền, về Đạo và Thần, về văn học Trung Hoa và kinh bổn Phật giáo sau này thể hiện trong Trà thư hẳn do cậu bắt đầu thu nhận được từ thời này.
Nhân tố thứ ba làm nên thành công của Trà thư là sự am tường của tác giả về nghệ thuật và thi ca cổ truyền Nhật Bản. Kakuzo Okakura bắt đầu học hội họa Nhật từ năm mười bốn tuổi, đồng thời tham dự đều đặn các lớp dạy sáng tác thi, từ cổ điển bằng chữ Hán theo mẫu Đường, Tống. Cái vốn kiến thức phong phú và đa dạng ấy biểu hiện rõ tại Trà thư. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu về Kakuzo Okakura đều nhất trí bước ngoặt quyết định trong đời ông, giúp ông phát huy được các sở trường của mình là cơ hội gặp và cộng tác với học giả lỗi lạc người Mỹ Ernst Fenollosa. Học giả này được người Nhật tri ân do những cống hiến của ông trong việc vận động bảo tồn và phát huy văn hóa, nghệ thuật cổ truyền Nhật Bản đúng vào thời nước này đang lâm vào căn bệnh ấu trĩ lúc khởi đầu sự nghiệp duy tân, là xu hướng thời thượng nhất nhất sùng bái phương Tây, đi đến rẻ rúng quá khứ với một nền văn hiến đặc sắc của chính dân tộc mình. Ernst Fenollosa được cử sang giảng dạy triết học tại Đại học Hoàng gia Tokyo năm 1878. Lúc này ông mới 26 tuổi.
Đến Tokyo, ông đam mê nghệ thuật và kiến trúc Nhật Bản. Được sự cộng tác của Kakuzo Okakura một người thành thạo Anh ngữ lại có kiến thức tương đối toàn diện – cậu sinh viên vừa làm thông ngôn trong giao tiếp vừa phiên dịch các văn bản cổ giúp thầy – Fenollosa đi sâu nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật Nhật Bản. Luôn luôn có Kakuzo Okakura bên cạnh, ông lùng xục khắp các hiệu sách và cửa hàng đồ cổ Nhật, sưu tập sách báo bàn về mỹ học Nhật Bản, lại khuyến khích những người bạn giàu có chọn mua những tác phẩm nghệ thuật cổ truyền tiêu biểu của nước này. Sau khi trang bị cho mình cái vốn tri thức cần thiết, và vẫn có Kakuzo Okakura làm trợ lý, ông bắt đầu thực hiện một loạt giảng thuyết về nghệ thuật Nhật Bản, đánh động dư luận xã hội và thức tỉnh giới cầm quyền bản địa. Kakuzo Okakura tốt nghiệp đại học, hai thầy trò càng cộng tác gắn bó với nhau. Họ tìm cách tạo sức ép, đòi hỏi nhà cầm quyền có chính sách và giải pháp bảo tồn di sản văn hóa. Một Ủy ban Nhà nước được chính phủ Nhật thành lập với nhiệm vụ kiểm kê, giám sát, bảo tồn kho tàng di sản văn hóa tại các chùa chiền Phật giáo và điện thờ Thần đạo. Cả hai thầy trò, Ernst Fenollosa và Kakuzo Okakura, đều được cử làm thành viên ủy ban này.
Mới ngoài 20 tuổi, Kakuzo Okakura đã được trao nhiệm vụ cùng với Ernst Fenollosa giám sát công việc của các nhà sư chùa Horyuji nhằm khôi phục, trùng tu một thiền viện ở Nara (Thành phố nhỏ gần Kyoto, kinh đô đầu tiên của vương quốc Nhật Bản thế kỷ VIII) bị bỏ hoang phế lâu đời. Nhiều tác phẩm nghệ thuật quý hiếm được phát hiện trong díp này, đặc biệt một pho tượng Phật cổ chưa ai nhìn thấy suốt hai thế kỷ qua. Một điều hiếm thấy – hay là sự sắp xếp có thủy có chung của lịch sử ? – là sau khi đã bôn ba nhiều năm ở nước ngoài, chính Kakuzo Okakura về cuối đời lại được giao phó công việc khôi phục các bức tranh tường cổ ngay tại thiền viện này.
Thông qua Fenollosa, Okakura kết thân với nhiều người Mỹ, trong số đó có một nhà sưu tập tác phẩm nghệ thuật tên là William S. Bigelow, bộ sưu tập cực kỳ quý giá của ông này sẽ trở thành nòng cốt cho phần nghệ thuật Á châu tại Viện bảo tàng Mỹ thuật thành phố Boston (Mỹ) thành lập về sau. Một người Mỹ khác là bà Isabelle S. Gardner. Chính tại ngôi nhà của bà ở ngoại ô thành phố Boston, lần đầu tiên Kakuzo Okakura đọc cho các quan khách chủ yếu là trí thức và văn nghệ sĩ Mỹ nghe tác phẩm Trà thư vừa được viết xong, năm 1905.
Đam mê nghệ thuật cổ truyền nhưng Kakuzo Okakura không phải là một người chơi đồ cổ. Ông quan tâm nhiều hơn đến “nghệ thuật sống” bất cứ thuộc thời đại nào. Ông từng có nhiều chuyến du khảo tại Nhật Bản và đến cả Trung Quốc, Ấn Độ nhằm tìm hiểu nghệ thuật Á châu.
Sau khi nhận học vị tiến sĩ, Kakuzo Okakura được giao nhiều công việc thuộc lĩnh vực nghệ thuật học. Ông được chính phủ Nhật phó thác trách nhiệm thành lập và làm hiệu trưởng một Trường mỹ thuật quốc gia, đồng thời làm Quản thủ Viện bảo tàng của Hoàng cung Nhật. Năm 36 tuổi, ra khỏi bộ máy chính quyền, ông thành lập một trường nghệ thuật tư, nhiều sinh viên bỏ trường quốc gia để theo học, tuy nhiên công việc điều hành nhà trường không mấy thành công. Ông sang Ấn Độ rồi đến Mỹ năm 1904. Tại đây ông nhận làm cố vấn cho Cục Nghệ thuật Trung Hoa và Nhật Bản thuộc Viện bảo tàng thành phố Boston. Cộng tác với viện này, ông có dịp nhiều lần đi công cán tại châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ và trở về cả Nhật Bản, nhờ vậy càng tích lũy thêm kiến thức.
Trong một kỳ về nghỉ hè tại cố hương, ông nảy ra ý viết cuốn Trà thư. Mặc dù bản thân không phải là một trà sư thực thụ, ông muốn thông qua Trà đạo trình bày tổng quát quan điểm Á châu về nghệ thuật, và đã có những phát kiến đặc sắc, chẳng hạn tinh thần thực sự dân chủ của châu Á thể hiện cụ thể qua Lễ thức trà. Kakuzo Okakura học tập phương Tây, làm việc ở phương Tây, nhưng ông phản đối chủ nghĩa tôn sùng công nghiệp và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.
Kakuzo Okakura qua đời tại Akakura (Nhật Bản) năm 1913. Ngoài Trà thư, ông để lại nhiều thiên tiểu luận về mỹ thuật và một số tác phẩm khác in trước Trà thư, như Các lý tưởng của phương Đông, Sự thức tỉnh của Nhật Bản, Con cáo trắng… tất cả đều viết bằng tiếng Anh.
Phan Quang