Có thể chia ra 3 hạng trà xanh Nhật bản như sau:
1. Loại trà hạ phẩm:
– Cánh trà thường to, dầy, thô vì được biến chế từ những lá trà già lấy ở phần dưới nhánh cây trà.
– Là sản phẩm dư thừa của loại trà cao cấp, chẳng hạn như cuống của những lá non dùng cho trà cao cấp.
– Có loại lại trộn thêm vào khoảng 20% gạo rang hay lúa mì rang, khi uống có mùi trà xanh hòa trộn với mùi hơi khét của gạo rang.
Loại trà xanh hạ phẩm này thường không có mùi thơm vì nhà sản xuất không cho vào loại trà bột vào. Loại này thường uống trong giờ giải lao của nhân viên lao động trong hãng xưởng hay uống hàng ngày trong những gia đình nghèo Nhật Bản cũng như ở những tiệm ăn uống bình dân. Với loại trà này cách pha trà như đã tả ở trên.
2. Loại trung bình:
Loại này thường được đựng trong các bao bằng alumin hay trong hộp bằng kim khí, có 2 nắp rất kín đáo. Hình thức trình bày rất trang nhã và hấp dẫn. Trọng lượng mỗi gói khoảng 50-100 grams. Loại này có đặc tính sau đây:
– Có rất nhiều hạng khác nhau, thường giá cả từ 1000 yen – 6000 yen/100 grams (9- 50 USD). Trên thị trường thường đóng gói cỡ 100 gram, nhưng nếu đóng gói cỡ cỡ 50grams, thường là loại ngon của hạng này.
– Khi mở gói trà hay hộp trà người ta nhận thấy ngay đặc tính của loại này như sau:
– Có mùi thơm rất dịu
– Cánh trà nhỏ cánh, xanh đậm
– Có màu xanh của bột trà bám trên thành bao alumin hay thành hộp trà, đó là loại trà bột (dùng trong lễ dâng trà ) được nhà sản xuất cho vào để làm gia tăng phẩm chất. Càng nhiều trà bột cho vào càng ngon và càng đắt giá.
– Khi pha trà lần đầu (60 độ, 2 phút) chỉ để hòa tan loại trà bột và một phần nào hương vị của cánh trà mà thôi. Chính vì vậy lần uống đầu tiên này mang đến khẩu vị nhiều hơn là mùi vị. Nhưng ở lần pha thứ 2 và thứ 3 luợng trà bột đã giảm sút nhưng nhờ nhiệt độ nước pha cao (80-90 độ) làm bốc hơi mùi vị thơm của cánh trà. Với loại trà trung bình hạng tốt, người ta có thể pha lần thứ tư vẫn còn mùi vị ngon của trà.Tóm lại lần pha trà đầu tiên để người ta thưởng thức “Vị” của trà, từ lần thứ hai, thứ ba người ta thưởng thức HƯƠNG của trà.
– Ðây là loại trà thường uống hàng ngày ở những gia đình khá giả hay để đãi khách cũng như ở các văn phòng của các vị lãnh đạo hãng.
3. Loại hảo hạng:
Loại này là loại trà biến chế từ lá trà non (Việt Nam gọi là trà búp), sản xuất bởi những hãng trà nổi tiếng, kèm theo in ấn và lịch sử của nhà sản xuất hay loại trà. Trong đó nhà sản xuất lựa chọn những địa danh trồng trà nổi tiếng ở Nhật Bản .
Các nhà sản xuất trà xanh ở Nhật cũng nhập cảng hay có các cơ sở biến chế sơ khởi ở ngoại quốc như ở Trung Hoa, Bắc Việt Nam, Tây Tạng, Bắc Lào… Nhưng theo ý kiến của người Nhật thì những loại trà mà họ mang từ ngoại quốc vào Nhật Bản chỉ để sản xuất loại trung bình hay hơn trung bình một tí mà thôi. Còn những loại trà hảo hạng hay loại trà bột đặc biệt dùng cho các lễ dâng trà đều được biến chế từ các vườn trà đặc biệt ở miền Nam và miền Trung Nhật Bản.
Với loại trà hảo hạng, thường đóng gói rất nhỏ (35- 100 grams), thường 50 grams và được trộn vào rất nhiều trà bột. Người Nhật Bản khi có dịp uống loại trà này họ tuân thủ phương pháp pha trà một cách tuyệt đối để không phí phạm và nhất là hưởng thụ được tất cả hương vị của loại trà xanh quí và đắt tiền. Loại trà này người ta có thể pha đến lần thứ 5 nước trà vẫn thơm ngon và mát dịu. Dĩ nhiên loại này chỉ dùng trong các trường hợp tiếp đãi khách quí và trong các trường hợp đặc biệt mà thôi. Giá cả cũng rất thay đổi tùy theo nguồn gốc của vật liệu và của nhà sản xuất, có thể gần 50 US$ cho một bịch trà khoảng 50 grams! Những người biết thưởng lãm loại trà này họ có nhiều dụng cụ phức tạp, cầu kỳ để cung ứng cho nhã khiếu uống trà của họ.
Vài chú ý căn bản
Khi chúng ta quen biết một gia đình người Nhật hay có dịp du lịch Nhật Bản… Chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều dịp được các bạn bè Nhật Bản mời về nhà họ. Chắc chắn món giải khát đầu tiên, gần như không thay đổi của ngươì Nhật là mời chúng ta uống trà xanh và ăn một vài loại bánh ngọt đặc biệt để gia tăng hương vị của trà. Sau đây là vài điều ghi chú mà chúng ta nên chú ý:
– Ăn một vài miếng bánh ngọt trước khi uống trà.
– Khi chúng ta uống hết trà trong tách, không khi nào tự ý lấy bình trà rót vào tách của mình hay lấy bình thủy tự ý pha trà cho mình… Làm như vậy chúng ta đã vô tình làm sai lệch cách pha trà của chủ nhân (vì họ biết rõ loại trà mà họ đãi chúng ta phải pha như thế nào, đặc biệt theo sự chỉ dẫn của nhà sản xuất). Người Nhật, nhất là người phụ nữ (vợ bạn hay các bà mẹ) rất kín đáo và chú ý, thường thường họ nhìn thấy tách uống trà của chúng ta hết và họ tiếp cho chúng ta ngay. Trong trường hợp họ bị vướng bận điều gì mà họ quên, chúng ta chỉ cần khen trà ngon là họ sẽ hiểu ngay và tiếp cho chúng ta tức thì.
– Khi chúng ta pha trà xanh, tuyệt đối không bao giờ lấy nước đang sôi từ chiếc nồi ruôn vào bình trà. Ðây là một sai lầm rất nặng về nguyên tắc và cả về mỹ thuật nữa. Với người pha trà chuyên môn, nguời ta để ấm nước không đậy nắp trên bồn than rất nhỏ, nước nóng ở khoảng 90 độ C, rồi họ dùng một chiếc muỗng bằng tre nhỏ để múc nước pha trà. Tùy thuộc vào lượng nước họ múc ở trong nồi và thời gian họ rót nước nóng vào bình trà để điều chỉnh nhiệt độ của nước pha trà (đây là một trong nhiều xảo thuật trong trà đạo).