Theo chè thái nguyên viết Trà Nõn Tôm và câu chuyện thú vị của người làm trà Thái Nguyên
Còn nhớ, lần đầu tiên cầm trên tay gói trà Nõn Tôm, cảm giác thật là lạ. Những sợi trà nhỏ xíu, mỏng như đầu tăm, rất chắc và hương thơm ngọt vô cùng quyến rũ. Trước đây tôi cũng thường hay uống trà Tân Cương, Thái Nguyên, cũng đã rất ấn tượng với hương thơm của trà: ngọt, và rất giống mùi bắp, thi thoảng thì ngửi ra mùi cốm non hoặc cỏ non. Nhưng đối với trà nõn tôm thì cái hương thơm ngọt hơn hẳn, vị trà lại có chút béo, đọng lại dư vị rất lâu trong miệng. Xác trà pha xong 3 nước trong ấm bát tràng, vẫn giữ được cái hương thơm đặc trưng ấy. Và tôi đã nhiều lần tự hỏi, cái hương thơm ấy của trà nõn tôm nói riêng và trà Thái Nguyên nói chung là do người ta tẩm hương hay là hương thơm tự nhiên của trà? Vì ở quê tôi – vùng trà Bảo Lộc – tôi chỉ thấy người ta ướp hương, ướp hoa vào trà để có được những hương thơm mong muốn. Trà Bảo Lộc thường chẳng mấy ai để mộc mà uống, vì trà mộc hương không đượm mà sợi trà cũng rất xốp, vị khá nhạt.
Thật may mắn, tôi có dịp làm quen với một người làm trà chân chất từ Tân Cương, Thái Nguyên. Gia đình anh là gia đình có truyền thống làm trà, nhà có vườn và nhà máy làm trà riêng. Đem câu hỏi về hương thơm của trà nõn tôm và trà Thái Nguyên ra hỏi anh, anh trả lời rất nhanh: Đó là hương thơm tự nhiên của búp trà. Và anh kể cho tôi nghe về quy trình làm trà tại nhà máy của anh, nhờ thế tôi mới hiểu trong quá trình làm trà có một công đoạn gọi là “quay hương”, là kĩ thuật để sợi trà dậy hương mà không cần phải tẩm ướp bất cứ hương liệu nào. Tất nhiên, kinh nghiệm và kĩ năng của mỗi người làm trà sẽ cho ra đời những sợi trà với những hương thơm khác nhau rất tinh tế. Anh cũng bảo nhược điểm của Trà Nõn Tôm hay trà Thái Nguyên là hương thơm của trà không lưu giữ được lâu. Vườn trà của gia đình anh là vườn trà thí điểm của Nhà nước nên có rất nhiều đoàn thể và các nhà nghiên cứu thường xuyên về để nghiên cứu và áp dụng các kĩ thuật mới trong việc trồng và chế biến trà nhưng chưa có ai có cách nào để lưu giữ hương thơm tự nhiên của trà lâu hơn được dù cũng đã thử nhiều cách đóng gói khác nhau.
Tôi hỏi anh việc làm trà nõn tôm với làm trà Thái Nguyên bình thường có gì khác nhau không, anh cười hiền và nói rất thật: làm trà nõn tôm vừa cực vừa dễ gặp rủi ro. Bởi vì đối với gia đình anh, những mảnh vườn trồng trà đã được phân định là sẽ dành để làm loại trà nào để có cách chăm sóc và thu hái phù hợp. Anh bảo trà Thái Nguyên bình thường thì 15 – 20 ngày hái búp một lần, và hái một tôm hai, ba lá nên khi làm trà ít “hao” hơn. Còn trà nõn tôm thì chỉ để khoảng 3 ngày hoặc 5 ngày là đã hái búp rồi, và tỉ lệ trà tươi ra trà khô cũng cao gấp đôi so với cách làm trà thái nguyên thông thường. Vậy mà trong quá trình làm trà, chỉ một sơ suất nhỏ cũng làm thay đổi chất lượng trà, lúc ấy thì thay vì có loại trà thượng hạng với những sợi trà nhỏ xíu như đầu tăm và giá bán ra tương đối cao thì loại trà ấy sẽ chỉ là loại trà bình thường với giá giống như những loại trà thái nguyên bình thường mà thôi.
Nói chuyện với anh một buổi, tôi hiểu hơn về trà Thái Nguyên và cách người Thái Nguyên làm trà, và mới hiểu tại sao trà Thái Nguyên lại được nhiều người ưa thích đến vậy. Làm nghề trà, nếu không yêu trà thì chắc chắn không thể dồn hết tâm sức của mình vào từng sợi trà với mong muốn mang đến loại trà ngon nhất cho người thưởng thức.