Trà thái nguyên chia sẻ bài viết Trà sen Tây Hồ
Nói đến nghề ướp trà sen của Hà Nội từ xưa phải nói đến những vùng xung quanh hồ Tây, trong đó có làng Nghi Tàm và Quảng Khánh. Bởi trước đây ven hồ Tây bạt ngàn sen, sen mọc từ vùng Nghi Tàm, quanh đền Kim Liên, qua làng Tây Hồ, sang làng Quảng Khánh xung quanh phủ Tây Hồ, qua Nhật Tân đến tận Xuân La.
Theo các cụ cao niên ở đây, sen hồ Tây có vị thơm đặc trưng không đâu có được, vừa thơm dịu, thơm bền và mát. Do đó khi ướp vào chè, mùi sen thơm nhẹ, quyến rũ, uống vào ngọt giọng, mềm môi, tinh thần sảng khoái. Buổi sáng ra, ngồi trong khu vườn cây cảnh xum xuê, giữa ngôi làng nằm nhô ra hồ Tây mênh mông, thoáng mát, bên tai nghe tiếng chim gù mà nhâm nhi chén trà ướp sen trong chiếc chén sành màu đất thì chẳng có gì ngon hơn.
Thế nhưng những năm gần đây, sen hồ Tây dường như biến mất, chỉ còn khu Đầm Trị thuộc xóm Mẩu, làng Quảng Khánh và xung quanh Công viên nước Hồ Tây. Mặc dù hồ Tây còn ít sen, người duy trì nghề ướp sen không còn mấy, gia đình bà Nguyễn Thị Ngọ ở xóm Mẫu vẫn cố giữ lấy nghề. Có lẽ trong làng Quảng Khánh nay chỉ còn gia đình bà làm nghề ướp sen có uy tín. Cứ vào những ngày đầu tháng năm âm lịch, khi mùa hè về nóng bức, là lúc trên chảo lửa nhà bà Ngọ lại đưa hương chè thơm mùi sen toả ra mặt nước hồ Tây. Bà Ngọ năm nay đã 70 tuổi, có tay nghề ướp sen từ khi về làm dâu nhà chồng. Ngày ấy, bà thừa hưởng cái duyên nghề của mẹ chồng và dù sau một thời gian đi thoát ly, khi trở về gia đình, bà vẫn nối nghề. Bà kể: Nghề ướp chè sen công phu lắm. Hàng chục công đoạn và bỏ ra hàng chục triệu đồng mới được một mẻ chè ra lò. Bắt đầu là đi lấy hoa sen. Phải đi từ lúc trời chưa hửng sáng, còn mờ hơi sương, bơi thuyền ra hồ sen hái hoa, chọn những bông sen nào còn chúm chím, chưa hé nở mới hái. Hái hoa cũng phải ngập vào nước vài phân để giữ tuyết của nhuỵ sen lâu tàn. Phải hái được một nghìn bông hoa mới ướp được một cân chè sen hảo hạng. Nào ngồi bóc hoa, sàng lấy nhuỵ rắc lên chè đã chọn và khô. Ủ chè đã được rắc nhuỵ sen vào chum sành, đậy kín lại, đủ thời gian đem chè ra đổ vào chảo gang đặt dưới bếp củi đun nhỏ lửa. Một mẻ đảo chè trên chảo phải mất hai tiếng đồng hồ. Bền bỉ và khéo léo, chè mới đủ độ ngấm hương sen. Sơ sảy một chút là mất tong vài triệu bạc. Chè ướp xong lại ủ vào chum chờ khách đến mới đưa ra đóng gói. Mỗi cân chè sen có khi lên tới chục triệu đồng. Một vụ bà chỉ ướp được khoảng 15 -20 cân chè. Khi những bông hoa sen cuối cùng rũ tàn, thì trong nhà bà cũng xuất đi hết số chè đã ướp. Hoạ chăng còn để lại để gia đình và bạn bè thân thiết thưởng thức. Chẳng cứ gì người Hà Nội đến đặt mua mà có một số khách từ nước ngoài biết tiếng cũng đến đặt hàng.
Tay bà đảo chè trong chảo, nét mặt chăm chú mà vẫn nở nụ cười đôn hậu. Hình ảnh bà ngồi ướp chè sen trông giống như một bức tranh quê thật đẹp bên hồ Tây thơ mộng. Tôi trộm nghĩ, rồi mai đây bà không còn, ai là người giữ được nghề ướp chè sen cho vùng Hồ Tây? Thú uống và thưởng thức chè sen của người Hà Nội ngày xưa nay đâu rồi?
Minh Nguyệt