Lịch sử giao lưu giữa văn hóa châu Âu với văn hóa của các dân tộc vùng Viễn Đông chứng tỏ rằng, ở châu Âu những thế kỷ trước không những đã nắm vững rất sớm cách trồng trọt những loại cây ăn quả mới, chưa từng thấy, đem về từ phương Đông và Đông Nam Á mà còn tậu được những mặt hàng tơ lụa tuyệt hảo và những loại vải vóc đặc biệt khác, đồ sành sứ, đồ trang sức Trung Quốc, quạt bình hoa, những tấm bình phong trang trí. Và dĩ nhiên có cả chè. Nhà truyền giáo nổi tiếng Alexandre de Rhodes (1591 – 1660) đã viết về nguồn gốc phổ biến thói quen uống trà ở các nước châu Âu và than phiền rằng món lợi nhuận khổng lồ của việc buôn bán các món hàng cực kỳ có lãi này chỉ đem lại béo bở cho các thương gia Hà Lan láu cá, trong khi đó các nhà buôn Pháp lại bỏ lỡ cơ hội phát tài ấy.
Một người uyên bác về văn hóa truyền thống Việt Nam, nhà văn Nguyễn Tuân, vào đầu những năm 70, trong lúc chiến tranh ác liệt đã viết rằng, một chén trà tuyệt hảo, một cành hoa đào đủ để thấy hương vị Tết Việt Nam. Nhưng trà còn đi xa hơn, vượt qua biên giới Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên.
“Trà – biểu tượng của văn hóa Viễn Đông, được đem sang trồng ở phương Tây” – Turekhiro Saraki, nhà phê bình văn học Nhật Bản đương đại nhận xét Trà, là sự gặp gỡ giữa Viễn Đông với phương Tây. Trà không chỉ đơn thuần với tư cách là một trong những nhân tố văn hóa độc đáo của cả khu vực, mà còn là biểu tượng. Để sáng tỏ nhận định này, có thể đưa ra nhiều dẫn chứng hùng hồn. Vì thế, dĩ nhiên trong cuốn sách của Philíp Bỉnh, không chỉ nói về sự du nhập từ Trung Quốc vào phương Tây như cam, mà còn cả cây chè và cách uống trà nữa.
Philíp Bỉnh, nhà khai sáng, người có óc thông minh, đã ước mong rằng Tổ quốc Việt Nam của ông sẽ noi theo nền sản xuất hữu hiệu, những thành quả văn hóa, những thói quen tập quán của văn hóa châu Âu (ông thường gọi là phương Tây). Ông nói về máy in và cối xay gió, về bưu điện và báo chí, về công xưởng và ngói Bồ Đào Nha tuyệt hảo và về nhiều vấn đề khác.
Nhưng có một tập quán châu Âu mà ông không thể nào chấp nhận và tiếp thu, không thể hòa hợp được với nó. Tập quán ấy, theo quan điểm của ông, không thể coi là chuyện nhỏ nhặt được. Ông nói về thói quen tầm thường này – theo cách của người châu Âu.